Phát biểu trên Đài truyền hình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết 7 thủy thủ (tàu Stena Impero) sẽ được thả vì lý do nhân đạo và có thể sớm rời khỏi nước này.
Trước đó, ngày 19/7, Iran đã bắt giữ tàu "Stena Impero" treo cờ Anh tại Eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng nhất trên thế giới, với lý do "vi phạm luật hàng hải quốc tế".
Trước đó 2 tuần, các lực lượng Anh bắt giữ tàu chở dầu "Grace 1" của Iran gần Gibraltar, vùng lãnh thổ thuộc Anh, với cáo buộc tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chở dầu tới Syria. Tuy nhiên, con tàu này đã được thả hồi tháng 8 vừa qua.
Các vụ bắt giữ tàu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng hơn một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, tái áp dụng các biện pháp trừng phạt Tehran, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh thu hẹp phạm vi tuân thủ cam kết nêu trong thỏa thuận. Iran đặt thời hạn chót ngày 6/9 các nước châu Âu phải đề xuất cách thức bảo vệ các lợi ích kinh tế của nước này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang, học giả Richard Nephew thuộc Đại học Columbia, từng là quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định rằng hai bên dường như đang tiến gần đến một cuộc xung đột quân sự hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác trong những năm gần đây.
Ông Nephew khẳng định cho rằng chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Iran sẽ không giải quyết được vấn đề và chỉ có cách duy nhất bằng con đường ngoại giao. Ông Richard Nephew từng là chuyên gia hàng đầu của phái đoàn đàm phán của Mỹ về các biện pháp trừng phạt trong khoảng thời gian từ năm 2013-2014.