Trên mạng xã hội Twitter, ông Zarif viết: “Với tư cách là Ngoại trưởng và là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, tôi sẽ sớm đưa ra một bản kế hoạch hành động cụ thể mang tính xây dựng - thông qua các kênh ngoại giao phù hợp”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Zarif được đưa ra sau khi các nguồn tin ngoại giao châu Âu tiết lộ Iran trong những ngày gần đây đã phát đi những tín hiệu tích cực đối với đề nghị tổ chức những cuộc đàm phán không chính thức về chương trình hạt nhân của Tehran.
Mỹ cũng đã bày tỏ hy vọng Iran sẽ tham gia nỗ lực ngoại giao sau khi các đồng minh châu Âu rút lại kế hoạch công bố một nghị quyết lên án Tehran tại cuộc họp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) diễn ra tại Vienna (Áo).
Trước cuộc họp của IAEA, các nước thuộc Liên minh châu Âu có kế hoạch thúc đẩy một nghị quyết lên án Iran về mức độ phối hợp của nước này trong các cuộc thanh sát của IAEA, nhưng kế hoạch này sau đó đã được thu hồi sau nỗ lực của Tổng Giám đốc IAEA nhằm đạt được sự thỏa hiệp với Iran.
Iran đã nhiều lần tuyên bố nước này sẽ quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cho đến Mỹ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran dưới thời chính quyền trước đây của Tổng thống Donald Trump. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 4/3 tuyên bố Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Iran thực tuân thủ cam kết trong thỏa thuận.
Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ cùng với Đức), Iran cam kết không làm giàu urani. Tuy nhiên, Iran khẳng định nước này có quyền cắt giảm thực hiện cam kết trong thỏa thuận này sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Các nước còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Nga vẫn cố bảo vệ thỏa thuận trước nguy cơ đổ vỡ.
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đã mang đến tín hiệu tích cực cho vấn đề này.