Xung đột Syria:

Iran theo bước Nga can dự, Mỹ lưỡng lự "chờ và xem"

Hàng trăm lính Iran đã tới Syria, tham gia vào một chiến dịch phản công lớn trên bộ nhằm hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, các nguồn tin tại Lebanon cho biết.


Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy nội chiến Syria đang leo thang thành xung đột toàn cầu, với sự can dự của hầu như tất cả "những người chơi chính". Hôm 1/10, máy bay chiến đầu của Nga tiếp tục mở các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của quân khủng bố tại Syria, đẩy Moskva và Washington vào thế đối lập trong xung đột ở Trung Đông lần đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh. Các mục tiêu không kích vẫn là thành phố Hama và Homs, phía Tây Syria, nằm trong kế hoạch của Moskva trợ giúp quân sự cho chính quyền Damascus tại những “khu vực yếu thế”.

Ảnh chụp vệ tinh thể hiện máy bay chiến đấu Nga tại căn cứ Latakia, Syria. Ảnh: AFP

Cùng thời điểm, hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin Lebanon ngày 1/10 cho biết, hàng trăm binh sĩ Iran được trang bị vũ khí đã tiến vào Syria trong 10 ngày qua, để chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn mà quân đội trung thành với Tổng thống Assad sẽ phát động. Chiến dịch này còn có sự tham gia của các tay súng thuộc phái vũ trang Hezbollah ở Lebanon cùng với các chiến binh hồi giáo dòng Shiite đến từ Iraq. “Lực lượng bộ binh tiên phong Iran đã tới Syria và số binh lính và sỹ quan này sẽ tham gia trên chiến trường. Họ không phải là cố vấn, ý tôi là hàng trăm bộ binh được trang bị vũ khí. Số lượng này còn tiếp tục tăng”, một nguồn tin Lebanon chia sẻ. Trước đó, can dự quân sự trực tiếp của Tehran chủ yếu dưới hình thức cử cố vấn tới hỗ trợ chính quyền ông Assad.

Quyết định không kích IS của Nga theo đề nghị của Damascus cùng với can dự quân sự gia tăng từ Tehran có thể sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột tại Syria. Hai siêu cường Nga, Mỹ lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai có lực lượng quân sự cùng tham chiến tại một nước. Một nguồn tin quân sự Syria ngày 1/10 cho biết, trợ giúp của Nga tạo ra “thay đổi lớn” trên chiến trường, nhất là khi các thiết bị trinh sát hiện đại được đưa vào sử dụng, giúp xác định chính xác các mục tiêu của quân nổi dậy.

Mỹ buộc phải “chờ và xem”?

Phản ứng của Mỹ trước quyết định không kích của Nga được cho là “mờ nhạt”. Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo Mỹ quan ngại sâu sắc nếu máy bay Nga nhằm vào các mục tiêu ngoài IS. Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thì nói rằng “Nga đang đổ thêm dầu vào lửa” trong xung đột Syria. Thế nhưng chính ông Kerry lại nói rằng Washington luôn chào đón “bất kì một nỗ lực thực sự nào” của Moskva trong cuộc chiến chống IS. Nhà Trắng dường như đang lúng túng trước can dự quân sự của Nga: Đây là công cụ để ông Putin giành ưu thế trong nghị trình ngoại giao quốc tế về Syria, hay là Moskva thực sự muốn giành mục đích chiến thắng quân sự?

“Phải rất thận trong, chờ xem Nga đi bước tiếp theo như thế nào, với thời hạn bao lâu. Còn quá nhiều điều chưa rõ ràng... Xuất hiện cả chuyển động về chính trị và quân sự”, Anthony Cordesman, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) bình luận. Alex Kokchurov, chuyên gia phân tích về Nga tại Trung tâm IHS Janes cho rằng, “ông Putin hiển nhiên không muốn phát động một chiến dịch quy mô lớn. Nga có lẽ chỉ theo đuổi một chiến thắng nhỏ - một chiến dịch can dự kéo dài vài tuần, hoặc cùng lắm là vài tháng, đẩy lui quân nổi dậy và tạo thế đứng mới cho ông Assad. Mục tiêu quân sự và chính trị song hành”.

Theo giới phân tích, Nga thừa hiểu rất khó để có được một chiến thắng về mặt quân sự tại Syria. Rất ít khả năng Nga điều lực lượng bộ binh tới tham chiến, vì Moskva vẫn còn nhớ quãng thời gian sa lầy tại Afghanistan trong những năm 1980; mới nhất là bài học Mỹ với hàng chục nghìn binh sĩ, vũ khí hạng nặng cũng đã không thể dập tắt được quân nổi dậy ở Iraq, Afghanistan. Cùng với đó dư luận tại Nga sẽ không ủng hộ việc đưa quân ra nước ngoài. Mục tiêu chính yếu, dài hạn của Điện Kremlin vì vậy vẫn là giành vị thế ở bàn đàm phán khi các bên thảo luận về tương lai Syria.

Bước can dự mới nhất cho thấy Mosvka đang theo đuổi chiến thuật “kiểm soát có điều kiện” – tức là xác lập ảnh hưởng quân sự trên thực địa để đẩy đối phương buộc phải chấp nhận các nhượng bộ trong đàm phán. Đối sách của Mỹ khi đó buộc phải có sự điều chỉnh. “Chúng ta không có nhiều lựa chọn nào ở thời điểm hiện nay ngoài việc tìm cách cùng ‘tồn tại’ với người Nga. Chúng ta không thể bỏ đi, vì vẫn cần phải tiêu diệt IS. Và làm thế nào để cùng tồn tại với họ sẽ là câu hỏi đầy thách thức”, nghĩ sĩ Adam Smith thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ bày tỏ.

Hoài Thanh (Theo FT, Reuters)
Máy bay Nga liên tục xuất kích, phá hủy sở chỉ huy IS
Máy bay Nga liên tục xuất kích, phá hủy sở chỉ huy IS

Ngày 2/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các máy bay Sukhoi-34 của nước này đã phá hủy trung tâm chỉ huy của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và 1 trại huấn luyện phiến quân ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN