Iran tiêu thụ mỹ phẩm hàng đầu thế giới

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn và luôn phải đeo tấm mạng che mặt nhưng phụ nữ Iran cho rằng gương mặt của họ là nơi cần được đầu tư chăm sóc dẫu có tốn kém tiền bạc. Hầu hết phụ nữ Iran sợ bị phê phán khi thể hiện sắc đẹp nhưng việc trang điểm hàng ngày ở nước cộng hòa Hồi giáo này có lẽ còn phổ biến hơn cả ở các nước phương Tây.


Với hơn triệu phụ nữ, lợi nhuận của thị trường mỹ phẩm Iran hiện đứng thứ 7 thế giới và chỉ kém mỗi Saudi Arabia ở khu vực Trung Đông. Nhà thiết kế thời trang Tina Zarinnam nói: “Vừa ngủ dậy phụ nữ Iran đã trang điểm. Kể cả khi bị mệt mỏi họ vẫn phải trang điểm đẹp khi ra khỏi nhà”.


Một phụ nữ Iran tại một cửa hàng mỹ phẩm ở thủ đô Tehran hôm 6/5/2014. Ảnh: AFP


Hãng thời trang cao cấp Lancome của Pháp mới đây đã đánh dấu việc quay trở lại Iran sau hàng thập kỷ bằng việc tổ chức buổi tiệc chiêu đãi hơn 400 khách mời thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tại một trong những khách sạn lớn nhất ở thủ đô Tehran. Buổi lễ phô trương ầm ĩ đó của Lancome, thương hiệu mỹ phẩm cao cấp hạng nhất của Tập đoàn L’Oreal, là sự kiện lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 đối với một thương hiệu lớn của phương Tây.


Kể từ khi Mỹ cấm vận thương mại với Iran vào những năm 1980, không một loại mỹ phẩm nào của Mỹ xuất hiện trên thị trường chính thức của quốc gia Hồi giáo này. Đến nay, dù phương Tây và Iran đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm hướng tới mục tiêu kết thúc sự bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran nhưng lệnh cấm của Mỹ và EU đối với dầu mỏ và các lĩnh vực khác vẫn có hiệu lực. Vì vậy, nhiều công ty quốc tế đã chỉ trích lệnh cấm vận làm ảnh hưởng lớn đến giao dịch thương mại của họ.


Thị trường màu mỡ


Các chuyên gia trang điểm ước tính rằng trung bình mỗi tháng một phụ nữ Iran mua một lọ chuốt mi, tỉ lệ tiêu thụ cao gấp khoảng 4 lần so với phụ nữ Pháp. Hãng Lancome hiện có mặt tại Iran thông qua hệ thống các đại lý nước hoa Safir, một nhà phân phối chính thức hàng đầu về các sản phẩm làm đẹp. Safir bắt đầu hoạt động tại Iran từ năm 2010 và đến nay đã mở được gần 20 chi nhánh trên khắp quốc gia dầu mỏ này.


Giám đốc điều hành của Safir, Pegah Goshayeshi, nhận xét: “Đây là một thị trường đang tăng trưởng bùng nổ với doanh số hàng trăm triệu đô la tính cả hệ thống phân phối chính thức của Safir lẫn thị trường chợ đen”. Theo Pegah, các nhà phân phối chính thức chỉ kiểm soát khoảng 40% thị trường mỹ phẩm tại Iran. Thị phần còn lại thuộc về những tay buôn lậu nhập mỹ phẩm bất hợp pháp để bày bán trong các chợ và cửa hàng nhỏ lẻ.


Vì có nhiều quy định nghiêm ngặt và phải được các cơ quan nhà nước phê duyệt thì mới được dán tem bảo hành chất lượng nên hàng mỹ phẩm nhập khẩu vào Iran có chi phí rất lớn. Tuy nhiên, việc trang điểm không vi phạm pháp luật của nước cộng hòa Hồi giáo này vì đạo Hồi không cấm nước hoa và mỹ phẩm.


Truyền thống lâu đời


Một shop mỹ phẩm trong chợ Grand Bazaar ở Tehran hôm 10/5/2014 khá đông khách. Ảnh: AFP


Theo Pegah, chính nhà tiên tri Mohammed cũng sử dụng nước hoa, và trang điểm cũng là một kiểu thể hiện cá nhân trong một xã hội mà tất cả phụ nữ bất kể theo tôn giáo nào khi ra đường phải quấn khăn trùm tóc và phải mặc áo rộng che toàn bộ cơ thể. Mỗi vùng miền khác nhau ở Iran cũng có sở thích trang điểm khác nhau. Phụ nữ miền Bắc thích chuốt mi màu sắc và dùng loại nước hoa thơm phức trong khi ở miền Nam thì lại thích làn mi đen đậm và nước hoa thoang thoảng. Đàn ông Iran cũng ngày càng có khuynh hướng sử dụng mỹ phẩm. “Họ chăm chút làn da vì muốn trông trẻ hơn”, vị đại diện của Safir nói thêm.


Trang điểm được xem là tốn kém ở một đất nước đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nặng nề một phần do lệnh cấm vận của phương Tây nhưng nó lại là một sự an ủi nhỏ để mọi người quên đi nỗi vất vả hàng ngày. “Trang điểm có tác dụng tích cực nhất định. Tôi thường xuyên trang điểm vì nó làm tôi thấy tự tin và tươi tắn hơn”, nhà vật lý trị liệu 42 tuổi, Forough Heidari, nói.


Dù đã có tới 20 thương hiệu mỹ phẩm của cả trong và ngoài nước nhưng thị trường tiêu thụ của Iran vẫn chưa hề bão hòa. Nhà sáng lập và giám đốc điều hành hãng Caprice, Vista Bavar, cho biết: “Vẫn còn nhiều thị phần cho các đồ mỹ phẩm cao cấp có mức giá thấp hoặc trung bình. Hơn nữa, dân số Iran có tỉ lệ lớn thanh thiếu niên mà hầu hết những người này lại đang sống dựa vào bố mẹ. Họ không phải lo nghĩ gì nhiều về tiền bạc và có thể chi tiêu thoải mái cho các sản phẩm làm đẹp”.


Ngọc Du (Theo AFP)


Mỹ phẩm Trung Quốc có thể nhiễm chì

Giới chức Philippines ngày 8/9 đã cảnh báo người tiêu dùng nước này rằng, những sản phẩm son môi xuất xứ từ Trung Quốc nhái theo các hãng nổi tiếng có khả năng chứa hàm lượng chì cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN