Thỏa thuận trên đã giúp Iran được dỡ bỏ các trừng phạt, đổi lại nước này phải giảm chương trình làm giàu hạt nhân ở mức không tạo ra vũ khí hạt nhân. Nhưng Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận trên vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump và tái áp đặt các trừng phạt kinh tế nặng nề khiến Iran cũng bắt đầu ngừng thực hiện các cam kết của mình trong thỏa thuận.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối 21/7, ông Amir-Abdollahian cho biết: “Chúng tôi không muốn lặp lại vết xe đổ. Mỹ cần chấp nhận một số cam kết và đảm bảo”.
Theo Ngoại trưởng Iran, hiện các bên có một văn kiện và nhất trí khoảng 95% nội dung. Ông khẳng định: “Chúng tôi nghiêm túc trong việc đạt một thỏa thuận tốt, mạnh và kéo dài nhưng không muốn một thỏa thuận bằng bất cứ giá nào”.
Các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) đã được khởi động từ tháng 4/2021 nhằm cứu vãn JCPOA nhưng đã bị đình trệ từ tháng 3/2022 do những bất đồng giữa Tehran và Washington trong nhiều vấn đề. Hai bên đã đàm phán gián tiếp thông qua các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU). Qatar đã đăng cai các cuộc đàm phán gián tiếp hồi tháng trước giữa Mỹ và Iran nhằm thúc đẩy hai bên trở lại đúng đường nhưng các cuộc đàm phán đã kết thúc sau hai ngày mà không đạt đột phá.
Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nhấn mạnh: “Phía Mỹ vẫn chưa đảm bảo rằng chúng tôi có thể hưởng toàn bộ các lợi ích kinh tế của JCPOA”. Ông cho biết Iran sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ thông qua EU.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bình luận: “Iran dường như chưa đưa ra quyết định chính trị cần thiết để cùng nhau quay lại tuân thủ JCPOA”. Ông Price cho biết Mỹ đã tiếp tục cam kết ngoại giao gián tiếp với Iran, thông qua các nỗ lực của EU và các đối tác khác, nhưng “Iran ít nhất đến hiện tại chưa thể hiện ý định tìm kiếm thỏa thuận”.
Trong một diễn biến khác, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho biết chương trình hạt nhân của Iran “đang phát triển nhanh chóng” và IAEA được biết rất ít về những gì đang xảy ra.
Tháng 6 vừa qua, Iran đã bắt đầu dỡ bỏ toàn bộ thiết bị giám sát của IAEA, từng lắp đặt theo thỏa thuận JCPOA. Ông Grossi cho biết trong 5 tuần qua, IAEA được theo dõi rất hạn chế trong khi chương trình hạt nhân của Iran đang phát triển rất nhanh và vì vậy nếu có một thỏa thuận, sẽ rất khó để dựng lại những thông tin bị bỏ sót trong giai đoạn không được theo dõi này.