Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Tổng thư ký Hội đồng An ninh Tối cao Quốc gia Iran Ali Shamkhani ngày 7/2 đã đăng trên mạng xã hội Twitter: “Những người tham gia ở Vienna hành động và phản ứng dựa trên sở thích và điều đó có thể hiểu được. Tương tác của chúng tôi cũng chỉ được thúc đẩy bởi lợi ích của người dân. Do vậy, chúng tôi đang đánh giá những yếu tố mới có liên quan đến các cuộc đàm phán và sẽ dựa vào đó tìm kiếm cách sáng tạo để xúc tiến một giải pháp”.
Trong những ngày gần đây, nhà đàm phán của các bên tại Vienna (Áo) đã báo hiệu rằng một thỏa thuận tiềm năng đã gần đạt được khi người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đồng ý về một thời gian biểu với Iran để họ trả lời các câu hỏi lâu nay của cơ quan này về chương trình của Tehran.
Cùng ngày 7/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói rằng “hợp tác hạt nhân hòa bình” giữa Trung Quốc, Iran và Nga không nên bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt. Ông Saeed Khatibzadeh đồng thời tiết lộ rằng Iran và Mỹ vẫn duy trì đàm phán về khả năng trao đổi tù nhân.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian trong khi đó cam kết rằng Tehran “sẽ không cho phép bất cứ nhân tố nước ngoài nào ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia trong các cuộc đàm phán Vienna”.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi từ Vienna phát biểu rằng bất cứ thỏa thuận hạt nhân được làm mới nào cũng sẽ là “thỏa thuận phức tạp” với nhiều bước và trình tự.
Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015. Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran.