Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Kyodo ngày 27/11 ở Brussels, ông Araghchi cho biết ông không nhận thấy khả năng nối lại đối thoại với Mỹ trong tình hình hiện nay. Theo ông, Washington sẽ cần thực thi các cam kết trước đó, trước khi đưa ra đề nghị đàm phán và đối thoại với Tehran.
Quan chức này cũng cho biết những lợi ích Iran được hưởng từ thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 hiện đã giảm xuống "gần như bằng không" và nếu tình hình này tiếp tục, thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) sẽ không thể cứu vãn. Iran sẽ không ở lại thỏa thuận này nếu nước này nhận thấy JCPOA không còn mang lại lợi ích cho mình.
Về việc Tokyo tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ, ông Araghchi cho biết Tehran tôn trọng lựa chọn của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông khẳng định Nhật Bản vẫn có thể hợp tác với Iran và hai bên có thể cùng nhau tìm ra các cơ chế hợp tác mới. Thứ trưởng Araghchi cũng hoan nghênh vai trò của Nhật Bản khi ủng hộ việc tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
Ông Araghchi, cũng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, nhấn mạnh Tehran vẫn sẽ xuất khẩu dầu bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo quan chức trên, một số đối tác nhập khẩu chính của Iran như Trung Quốc và Ấn Độ, cả hai đều được miễn trừ đối với lệnh trừng phạt của Mỹ, cho biết sẵn sàng tiếp tục mua dầu của Iran.
Trước đó, ngày 26/11, Thứ trưởng Araghchi đã tham dự vòng đối thoại chính trị cấp cao lần thứ 4 giữa Iran và Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels. Ông cho rằng mặc dù châu Âu đang chịu sức ép lớn từ Mỹ nhằm cô lập Iran, song điều quan trọng hiện nay là khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào tháng 5 vừa qua, EU và các nước còn lại trong thỏa thuận đã ra tuyên bố lên án quyết định của Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran, khẳng định sẽ bảo vệ các công ty của châu Âu đang làm ăn hợp pháp với Iran, cũng như tìm cách duy trì các kênh tài chính hoạt động với nước này, đảm bảo việc tiếp tục xuất khẩu ga và khí đốt của quốc gia Hồi giáo.
Tuy nhiên, các nỗ lực của EU, trong đó có việc thành lập cơ chế đặc biệt giao dịch với Iran nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, được cho là đang gặp khó khăn.