Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người từng nhiều lần tuyên bố sẽ xóa bỏ thỏa thuận này, nhậm chức vào ngày 20/1, và cựu Tổng thống Iran Akbar Hashemi Rafsanjani - nhân vật có đóng góp lớn cho thỏa thuận hạt nhân nói trên, vừa qua đời.
Một phiên họp của IAEA ở Vienna, Áo ngày 17/11/2016. Ảnh: EPA/TTXVN |
Đây cũng là cuộc họp thứ 4 giữa Iran và Nhóm P5+1 về vấn đề này kể từ khi thỏa thuận hạt nhân nói trên có hiệu lực từ tháng 1/2016. Cuộc họp diễn ra theo đề xuất của Tehran tháng 12 năm ngoái sau khi Mỹ gia hạn thêm 10 năm các lệnh trừng phạt chống lại nước cộng hòa Hồi giáo này. Iran cho rằng việc Quốc hội Mỹ quyết định gia hạn Đạo luật Trừng phạt Iran (ISA) thêm 10 năm là vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Theo giới chức Iran, những biện pháp trừng phạt nói trên của Mỹ đã kiềm chế hoạt động giao thương của Tehran với thế giới bên ngoài, từ đó thu hẹp lợi ích kinh tế mà thỏa thuận hạt nhân mang lại cho nước này.
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng cam kết thỏa thuận trên sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Tehran, song thực tế đang khiến nhiều cử tri nước này thất vọng và điều đó sẽ tác động lớn đến nỗ lực tái tranh cử của ông Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới. Nhằm xoa dịu những quan ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân, Tổng thống Rouhani cũng tuyên bố Iran sẽ không để Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phá vỡ thỏa thuận mà Tehran và Nhóm P5+1 đạt được sau những vòng thương lượng căng thẳng.
Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 7/2015, Iran phải cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân và chấp thuận các cuộc thanh sát mới để đổi lại việc được dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của phương Tây và quốc tế.
Theo đó, Iran sẽ phải giảm 2/3 số máy li tâm được sử dụng để làm giàu urani, loại bỏ khả năng Tehran sử dụng nguyên liệu này để chế tạo bom nguyên tử. Cụ thể, trong vòng 15 năm, Iran chỉ được sở hữu không quá 300 kg urani làm giàu tối đa 3,67%. Nhà máy hạt nhân ở Arak cũng chỉ được sử dụng vào mục đích hòa bình. Mọi nhiên liệu hạt nhân phải được đưa ra khỏi Iran trong khi nhà máy này còn hoạt động. Đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt Iran từ năm 2006 trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, tài chính và năng lượng.