Trong bài phát biểu trước các quan chức chính phủ được phát sóng truyền hình, Tổng thống Rouhani - người ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử nêu trên - nhấn mạnh: "Chúng ra đang trong tình trạng chiến tranh kinh tế. Chúng ta sẽ đứng lên chống lại một kẻ thù chuyên ức hiếp".
So sánh với cuộc chiến tranh gây nhiều tổn thất giữa Iran và Iraq vào những năm 80 của thế kỷ trước dưới thời cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, ông Rohani cho rằng không có sự khác biệt và Iran sẽ phải nỗ lực giành chiến thắng.
Cùng ngày, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) Gholamali Khoshroo đã gửi thư tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đề nghị LHQ yêu cầu Mỹ chịu trách nhiệm về quyết định tái áp đặt trừng phạt đối nhằm bóp nghẹt ngành dầu mỏ và vận tải của nước này.
Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn lời Đại sứ Khoshroo khẳng định đây là những biện pháp "bất hợp pháp và vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ", đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế "cần phản ứng với hành động sai trái của Mỹ và buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về các hành động này", nhằm duy trì tính thượng tôn pháp luật, ngăn chặn sự phá hoại về mặt ngoại giao và bảo vệ chủ nghĩa đa phương.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran được dỡ bỏ vào năm 2015, theo thỏa thuận hạt nhân mà Tehran và các cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ, ký kết dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Văn kiện mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) này sau đó đã được HĐBA LHQ phê chuẩn trong một nghị quyết, đồng nghĩa với việc tạo cho nó một tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã rút Mỹ khỏi văn kiện này hồi đầu năm nay.
Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook ước tính Iran mất khoảng 2 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ kể từ tháng 5 vừa qua, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ông Hook nói: "Chúng tôi đã lấy đi 1 triệu thùng dầu (mỗi ngày) khỏi thị trường, chỉ riêng việc đó khiến nguồn thu từ dầu mỏ của Iran giảm khoảng 2 tỷ USD".
Với lệnh trừng phạt mới, chắc chắn ngành năng lượng và ngân hàng của Iran sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, dù Iran tạm thời vẫn được xuất khẩu dầu cho một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Rouhani cam kết Iran sẽ vẫn có thể bán dầu trên thị trường quốc tế. Có tin cho biết công ty dầu mỏ quốc gia Iran đã bắt đầu bán dầu thô cho các doanh nghiệp tư nhân. Sau đó, những doanh nghiệp này sẽ bán cho những người mua giấu tên ở nước ngoài như một cách để né tránh các lệnh trừng phạt.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif kêu gọi Washington thay đổi cách tiếp cận về JCPOA. Kênh truyền hình Press TV dẫn lời ông Zarif cho biết Iran sẽ cân nhắc các cuộc đàm phán mới nếu có "những cơ sở cho một cuộc đối thoại hiệu quả" về thỏa thuận hạt nhân.
Tuy nhiên, ông cũng cáo buộc rằng: "Chính phủ Mỹ hiện không tin vào biện pháp ngoại giao, mà chỉ tin vào việc áp đặt trừng phạt". Ông nhấn mạnh: "Cần có sự tôn trọng lẫn nhau và tin tưởng lẫn nhau để bắt đầu các cuộc đối thoại".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẽ cho phép các dự án hạt nhân dân sự tại các cơ sở Arak, Bushehr và Fordow của Iran tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ.
Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời áp đặt trở lại hai vòng trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Vòng trừng phạt đầu tiên diễn ra cách đây hai tháng nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ôtô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác.
Vòng trừng phạt mới lần này nhằm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan dầu mỏ cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran. Ngoài những lệnh trừng phạt trên, chính quyền Mỹ cũng đang tìm mọi cách để cô lập chính quyền Tehran, bất chấp sự phản đối của nhiều đồng minh châu Âu.