Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Salih nêu rõ: “Tuân thủ theo hiến pháp về nhiệm vụ của mình, tôi đã phê chuẩn luật bầu cử, để chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử sớm, công bằng và đúng đắn”. Theo ông Salih, cải cách luật bầu cử của Iraq nhằm mục đích đảm bảo quyền bầu chọn các đại diện của nhân dân bằng cách đảm bảo các cuộc bầu cử tự do và công bằng tránh khỏi sự đe dọa và gian lận.
Tổng thống Iraq cho rằng “tham nhũng bầu cử là nguy hiểm vì nó đe dọa sự bình yên của xã hội và sự toàn vẹn về kinh tế, vì tham nhũng bầu cử và tham nhũng tài chính có mối liên hệ với nhau, không tách rời và không mang tính xây dựng”.
Ông Salih chỉ ra rằng các cuộc bầu cử Quốc hội trước đó hồi sau năm 2003 đã chứng kiến nhiều thách thức liên quan đến gian lận và nghi ngờ, là lý do chính khiến các công dân miễn cưỡng đi bầu cử và làm suy giảm niềm tin của họ vào tính hợp pháp của chế độ hiện tại và toàn bộ quá trình bầu cử.
Bên cạnh đó, Tổng thống Iraq cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "tạo điều kiện cho một thế hệ chính trị mới hiện thực hóa dự án cải cách như mong muốn". Ông Salih cũng thừa nhận về những do dự mà một số chính trị gia đã nêu ra đối với luật bầu cử mới vừa được Quốc hội thông qua gần đây, cho rằng "luật này không đại diện cho tất cả những gì chúng tôi mong muốn, nhưng đồng thời, nó đại diện cho lộ trình cải cách và sự phát triển tốt hơn."
Trước đó, Quốc hội Iraq đã quyết định thành lập 83 khu vực bầu cử ở nước này, dựa trên tỷ lệ 25% nữ giới trong Quốc hội gồm 329 ghế, số lượng đơn vị bầu cử tương đương với số đại biểu nữ trong Quốc hội nước này. Còn theo luật bầu cử trước đây, mỗi tỉnh trong số 18 tỉnh của Iraq là một khu vực bầu cử duy nhất.
Ngày 31/7, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã ấn định ngày 6/6/2021 là ngày tổ chức bầu cử sớm. Cuộc bầu cử Quốc hội trước đó được tổ chức vào ngày 12/5/2018 và cuộc bầu cử tiếp theo được cho là sẽ diễn ra vào năm 2022.