Một quan chức cấp cao của Bộ Dầu mỏ Iraq cho hay thỏa thuận trên sẽ được kích hoạt trong vài ngày tới. Năm 2021, Iraq đã ký một thỏa thuận với TotalEnergies để phát triển các dự án dầu khí và năng lượng tái tạo trị giá 27 tỷ USD tại Iraq. Ở thời điểm đó, TotalEnergies thông báo họ sẽ rót khoản đầu tư ban đầu trị giá 10 tỷ USD vào quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, các dự án đã bị đình trệ sau khi Iraq được cho là muốn nắm giữ 40% cổ phần, cao hơn nhiều so với mức 25%-30% cổ phần do TotalEnergies đề xuất. Hồi tháng 2/2023, Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết nước này muốn đạt được thỏa thuận với TotalEnergies, giữa lúc có thông tin cho rằng tập đoàn năng lượng Pháp có kế hoạch rút khỏi Iraq. Một quan chức của Bộ Dầu mỏ Iraq khẳng định quan hệ hợp tác giữa Iraq và TotalEnergies vẫn đang phát triển tốt đẹp. Còn theo Reuters, tranh chấp giữa TotalEnergies và Iraq đã được giải quyết các và các nhân viên nước ngoài của tập đoàn này đã quay trở lại Iraq.
Iraq là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với lượng dầu thô xuất khẩu đạt trung bình 3,3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu ở Khu vực bán tự trị người Kurd cũng đạt trên 450.000 thùng/ngày. Xuất khẩu dầu chiếm khoảng 90% nguồn thu của chính phủ Iraq. Ngày 4/4, Chính phủ Iraq và Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) đã ký một thỏa thuận nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ miền Bắc nước này.
Theo số liệu chính thức, doanh thu từ dầu mỏ của Iraq đã đạt trên 60 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, nhờ giá dầu và khí đốt tăng cao. Ngày 2/4, Bộ Dầu mỏ Iraq thông báo nước này tự nguyện cắt giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày nhằm đối phó với những thách thức mà thị trường dầu mỏ toàn cầu đang phải đối mặt cũng như đạt được sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường.