Quân đội Iraq kiểm tra vũ khí đạn dược trong chiến dịch tấn công IS tại Ramadi ngày 27/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Baghdad Ngày 30/12, ông Jaafari nhấn mạnh: "Iraq sẽ thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa bình nhằm tránh khủng hoảng, song nếu cần sẽ tính đến việc đấu tranh với Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ chủ quyền và tài sản quốc gia". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Jaafari không nhắc đến một hạn chót nào cho các nỗ lực hòa bình chống lại "sự vi phạm chủ quyền Iraq" và thừa nhận hai nước có "những lợi ích chung".
Khủng hoảng giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát từ đầu tháng 11 vừa qua khi Thổ Nhĩ Kỳ huy động quân đội tăng cường, được trang bị xe bọc thép, tới một căn cứ ở khu vực Bashiqa, gần thành phố Mosul để huấn luyện các tay súng bán quân sự người Sunni và người Kurd chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Mosul là thủ phủ tỉnh Nineveh, đã bị IS chiếm đóng từ tháng 6/2014.
Baghdad nhấn mạnh rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không được sự chấp thuận của Chính phủ Iraq, vì vậy đề nghị Ankara rút quân. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng số binh sĩ vừa được triển khai tại Iraq là một hoạt động luân chuyển thông thường của các binh sĩ tham gia huấn luyện cho Iraq.