Mỹ hiện có 2.500 quân đồn trú tại Iraq, với nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng địa phương nhằm ngăn chặn sự tái xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lực lượng từng chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria vào năm 2014 trước khi bị đánh bại. Hàng trăm binh sĩ từ các nước châu Âu cũng tham gia vào liên minh này.
Chính phủ Iraq tuyên bố IS đã bị đánh bại và nhiệm vụ của liên minh đã hoàn thành, nhưng Baghdad vẫn mong muốn xây dựng quan hệ song phương với các thành viên liên minh, bao gồm hợp tác quân sự về huấn luyện và trang bị.
Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ diễn ra giữa các quan chức quân sự để đánh giá nhu cầu hoạt động và hiệu quả của lực lượng an ninh Iraq, cũng như các mối đe dọa mà lực lượng phải đối mặt. Dựa trên đó, cả hai bên sẽ xác định tốc độ rút quân theo giai đoạn của liên minh và triển vọng của quan hệ song phương trong tương lai.
Giới chức Mỹ và Iraq cho rằng quá trình này dự kiến sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể lâu hơn, với kết quả không chắc chắn và không có kế hoạch rút quân ngay lập tức của Mỹ.
Washington lo ngại rằng việc rút quân nhanh chóng có thể tạo ra một khoảng trống an ninh mà IS là mối nguy. Hiện IS vẫn duy trì các nhóm nhỏ ẩn náu trong các khu vực sa mạc và tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhỏ lẻ mặc dù không còn kiểm soát lãnh thổ nào.