Văn phòng Thủ tướng ra tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi sẽ truy lùng thủ phạm. Chúng tôi biết rõ và sẽ công bố danh tính của các đối tượng này". Thủ tướng al-Kadhimi cho biết các đối tượng trên giống như thủ phạm đã sát hại sĩ quan Cơ quan Tình báo quốc gia Iraq (INIS) Nibras Farman, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Kênh truyền hình nhà nước Iraqiya dẫn lời ông Yahia Rasoul, người phát ngôn của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iraq, cho biết: "Hai máy bay không người lái tấn công dinh thủ tướng xuất phát từ một khu vực nằm cách thủ đô 12km về phía Đông Bắc... bay ở tầm rất thấp để tránh bị radar phát hiện". Quan chức này khẳng định: "Âm mưu ám sát khủng bố đã được lên kế hoạch rất cẩn thận".
Trước đó, rạng sáng 7/11, Thủ tướng al-Kadhimi đã thoát khỏi một âm mưu ám sát bằng máy bay không người lái nhằm vào dinh thự của ông ở Vùng Xanh được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Baghdad, nơi cũng có nhiều cơ quan chính phủ và các đại sứ quán. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình tại thủ đô Baghdad nhằm phản đối kết quả bầu cử quốc hội ngày 10/10 vừa qua đã biến thành bạo loạn.
Phản ứng về vụ việc, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 7/11 "kịch liệt lên án" vụ tấn công, đồng thời kêu gọi kiềm chế và tránh bạo lực. Người phát ngôn của Tổng thư ký, ông Stephane Dujarric cho biết: "Tổng thư ký lên án mạnh mẽ âm mưu sát hại Thủ tướng al-Kadhemi, đồng thời kêu gọi đưa thủ phạm ra trước công lý... Ông kêu gọi người Iraq kiềm chế tối đa và tránh mọi hành động bạo lực và gây bất ổn đất nước".
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/11 tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời đánh giá cao lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Iraq hối thúc "bình tĩnh, kiềm chế và đối thoại". Ông chủ Nhà Trắng cho biết đã chỉ thị cho đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ có những biện pháp hỗ trợ phù hợp cho chính quyền Iraq trong quá trình điều tra xác định thủ phạm.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Người phát ngôn của thủ tướng cho biết ông Johnson đã "chia buồn với những người bị thương", đồng thời "khẳng định rằng Anh sát cánh với nhân dân Iraq và ủng hộ các nỗ lực thành lập một chính phủ sau bầu cử, vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định lâu dài của đất nước".
Từ Iran, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian cũng lên tiếng chỉ trích âm mưu ám sát Thủ tướng Iraq. Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein, Ngoại trưởng Amirabdollahian gọi hành động ám sát Thủ tướng al-Kadhimi là một âm mưu nhằm gây mất an ninh và hoà bình tại Iraq, do "những kẻ muốn mang lại điều xấu cho Iraq lên kế hoạch nhằm gây bất ổn và mất an ninh tại nước này". Trước đó cùng ngày, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani nhận định vụ ám sát là âm mưu nổi loạn có sự dính líu của "các cố vấn nước ngoài".
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm ngày 7/11 với Thủ tướng al-Kadhimi, Quốc vương Jordan Abdullah II cũng lên án vụ tấn công, coi đây là một âm mưu đe doạ an ninh và ổn định của Iraq. Thông báo từ Hoàng gia Jordan cho biết Quốc vương Abdullah II nhấn mạnh Jordan đoàn kết với Iraq và người dân nước này, ủng hộ việc củng cố an ninh và ổn định cũng như các nỗ lực của Chính phủ Baghdad trong hoạt động chống khủng bố. Trước đó, Bộ Ngoại giao Jordan cũng ra tuyên bố lên án vụ tấn công, với nội dung tương tự như thông điệp của Quốc vương Abdullah II.
Trong khi đó, Pakistan cũng lên án mạnh mẽ "vụ tấn công hèn nhát" nói trên. Thông báo của Bộ Ngoại giao Pakistan cho hay "thật may mắn là Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi vẫn an toàn". Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định tình đoàn kết với "Chính phủ anh em và người dân Iraq". Bộ cũng nhấn mạnh Pakistan "bày tỏ đồng cảm sâu sắc với những người bị thương và mong họ sớm bình phục". Thông báo nhấn mạnh Pakistan kịch liệt lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và khẳng định không thể biện minh cho những hành động bạo lực bừa bãi như vậy.