Theo đài BBC (Anh), hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến IS trì hoãn công bố đoạn video trong nhiều tháng trời và quyết định tung ra vào thời điểm này.
Qua đoạn video, BBC cho rằng chính phiến quân IS là những kẻ đã thực hiện trận phục kích.
Hình ảnh xuất hiện trong đoạn video. Ảnh: CBS News |
Mở đầu video được đăng trên ứng dụng Telegram là hình ảnh các thành viên nhóm phiến quân Jamaat Nusrat al-Islam wal-Muslimin (JNIM) tại vùng Sahel châu Phi, có liên kết với al-Qaeda, tuyên bố trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Từ tháng 2, nhiều nhà phân tích đã nhắc đến việc nhóm phiến quân Jamaat Nusrat al-Islam wal-Muslimin thề trung thành với IS nhưng IS lại không hề "khoe" điều này trên Telegram.
Trong đoạn video là cảnh quay thực về phiến quân IS được trang bị vũ khí đang sục sạo trên sa mạc trước khi tiến hành phục kích.
Dưới đây là một phần nội dung video do IS công bố. Trong video có hình ảnh bạo lực, độc giả cân nhắc kỹ trước khi xem:
Sau đó là hình ảnh lấy từ máy quay gắn trên mũ của một quân nhân Mỹ. Đến nay Lầu Năm Góc vẫn chưa công bố toàn bộ thông tin chính xác về trận phục kích tại Niger nhưng đoạn video đã phần nào cho thấy điều đã xảy ra.
Trận phục kích diễn ra vào thời điểm 11 quân nhân Mỹ và 30 binh sĩ Niger cùng đi tuần. Ban đầu, phía quân nhân Mỹ và Niger cùng đấu súng với đối phương từ sau chiếc SUV, khi đó có một binh sĩ đang cầm lái, nhằm nỗ lực thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Phía binh sĩ Mỹ đã phóng lựa đạn khói nhằm hạn chế tầm nhìn của kẻ địch đồng thời thông báo vị trí cho các máy bay quân sự của đồng minh. Trên thực tế, phải 2 tiếng đồng hồ sau khi trận phục kích diễn ra, một chiến đấu cơ của quân đội Pháp mới xuất hiện ở hiện trường. Do vậy, những binh sĩ Mỹ và Niger đã phải tự lực chiến đấu và không được yểm trợ.
Theo CBS News (Mỹ), Lầu Năm Góc dự kiến sẽ công bố kết quả điều tra về trận phục kích tháng 10/2017 trong tuần này.