Gần 2 thập kỷ sau cuộc tấn công quân sự do Mỹ đứng đầu nhằm vào Afghanistan, IS hiện đang được xem là mối đe dọa thậm chí lớn hơn cả phiến quân Taliban do các năng lực quân sự ngày càng tinh vi của nhóm cực đoan này cũng như chiến lược nhằm vào dân thường ở cả Afghanistan và nước ngoài. Những lo ngại sâu sắc đến nỗi nhiều quan chức Mỹ phải đến gặp Taliban - lực lượng cũng xung đột với IS - với tư cách là một đối tác tiềm năng để kiềm chế IS.
Một quan chức tình báo Mỹ tại Afghanistan đã nói với hãng tin AP rằng làn sóng tấn công gần đây ở thủ đô Kabul là "màn diễn tập" cho các vụ tấn công thậm chí lớn hơn nhằm vào châu Âu và Mỹ.
Quan chức này nói: "Nhóm (IS) là mối đe dọa cận kề nhất từ Afghanistan đối với quê hương của chúng tôi... Sứ mệnh cốt lõi của IS là sẽ tiến hành các vụ tấn công ở nước ngoài" ở Mỹ và châu Âu.
Theo quan chức này, đó là mục tiêu của IS và tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu không có một chiến lược chống khủng bố mạnh mẽ, lực lượng IS tại Afghanistan có thể sẽ thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn tại Mỹ hoặc châu Âu vào năm 2020.
Theo quan chức này, các tay súng IS bị bắt tại Afghanistan đã bị phát hiện có mối liên lạc với các thành viên IS tại các nước khác. Các cơ quan an ninh Mỹ cũng đã thực hiện ít nhất 8 vụ bắt giữ tại nước này có liên quan tới các tay súng IS tại Afghanistan.
Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh tại Đại học Georgetown, Mỹ, Bruce Hoffman, Afghanistan hiện là một căn cứ mới tiềm tàng của IS sau khi tổ chức khủng bố này bị đánh bật khỏi Iraq và Syria. Ông nhận định, IS đã tập trung các nguồn lực ở Afghanistan, ám chỉ kho vũ khí khổng lồ ở miền Đông quốc gia Tây Nam Á này.
Trong khi đó, ông Ajmal Omar, một thành viên thuộc Hội đồng tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan, cho biết IS hiện có mặt tại 4 tỉnh của nước này gồm Nangarhar, Nuristan, Kunar và Laghman, với con số lên đến hàng nghìn đối tượng.