Làn sóng biểu tình nổ ra khi chính phủ theo đường lối cứng rắn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chuẩn bị tiếp tục chương trình lập pháp vào tuần tới, lảng tránh những lời kêu gọi tạm dừng kế hoạch trên để tạo điều kiện cho thương lượng.
Theo ước tính của truyền thông Israel, cuộc biểu tình lớn nhất, diễn ra tại thành phố ven biển Tel Aviv, đã thu hút khoảng 100.000 người tham gia.
Trong khi đó, khoảng 50.000 người đã biểu tình ở thành phố Haifa phía Bắc Israel và 10.000 người ở Beersheba. Đây là những cuộc biểu tình lớn nhất từ trước tới nay ở cả hai địa phương. Nhiều hoạt động biểu tình khác cũng được tổ chức tại các thành phố và thị trấn ở đất nước có hơn 9 triệu dân này.
Những cuộc biểu tình đã kết thúc mà không xảy ra bất kỳ sự cố lớn nào, mặc dù cảnh sát đã bắt giữ 3 người biểu tình cản trở giao thông trên tuyến đường vành đai của Tel Aviv.
Ngay sau khi nhậm chức cách đây gần 3 tháng, Thủ tướng Netanyahu đã công bố giai đoạn đầu tiên của kế hoạch cải cách tư pháp, bao gồm thông qua việc sửa đổi một số nội dung luật. Trong dự luật được đưa ra, Chính phủ sẽ thay đổi thành phần ủy ban bổ nhiệm thẩm phán gồm 9 thành viên, hạn chế tầm ảnh hưởng của các chuyên gia pháp lý, tăng quyền hạn của Chính phủ trong việc lựa chọn thẩm phán. Dự luật không cho phép Tòa án Tối cao ra phán quyết bác những luật cơ bản mà Quốc hội thông qua. Quốc hội cũng có quyền bác các quyết định của Tòa án Tối cao chỉ với 61/120 phiếu. Thủ tướng Netanyahu và những người ủng hộ nói rằng, những cải tổ này là cần thiết để khôi phục sự cân bằng trong hệ thống và hạn chế các thẩm phán vượt quá quyền hạn khi can thiệp vào lĩnh vực chính trị.
Tuy nhiên, kế hoạch cải cách này đã vấp phải những phản ứng gay gắt của các Tổng chưởng lý, Chánh án Tòa án Tối cao, giới thẩm phán.
Kết quả hầu hết các cuộc thăm dò dư luận do Viện Dân chủ Israel và các tổ chức khác tiến hành cho thấy, đa số người Israel không ủng hộ các nội dung cải cách tư pháp được Chính phủ đề xuất. Đây là lý do quy mô các cuộc biểu tình có dấu hiệu ngày càng gia tăng tại Israel.