Israel - Đất nước của những người yêu mèo

Tại Israel, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của mèo ở khắp mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn. Mèo nuôi trong nhà. Mèo chạy ngoài đường. Mèo ở góc phố, vườn hoa. Mèo trong gara ôtô. Mèo trước cửa siêu thị.

Chú thích ảnh
Bà Meira chăm sóc đàn mèo khoảng 30 con ở gần nhà.

Người phụ nữ trạc gần 60 tuổi, dáng vẻ quý phái, chậm rãi thả từng vốc hạt trên những tảng đá lớn xếp hình vòng cung trong công viên. Bên trên khoảng 30 chục chú mèo béo tốt, vàng có, xám có, đen có, đang nhẩn nha ăn trong ánh nắng vàng sậm cuối chiều. Mùa đông, ngoài 16 giờ, thành phố Tel Aviv trời đã dọa nhập nhoạng. Thấy tôi giơ máy ảnh, người phụ nữ vội xua tay, rồi vẫy tôi lại gần. 

Bà Meira là một luật sư sống ở quận Ramat Aviv. Các buổi chiều cuối tuần bà đều ra góc công viên này để chăm sóc cho khoảng 30 con mèo hoang. Công việc chủ yếu chỉ là tiếp đồ ăn bằng hạt hoặc đồ hộp cho mèo, thay rửa bát nước. Đôi khi có những con mèo bị thương hoặc đến kỳ triệt sản, bà sẽ gọi số 106, đường dây nóng của thành phố, và sẽ có một nhân viên của trung tâm cứu hộ đến đưa chúng đi. Những ngày còn lại trong tuần, người giúp việc sẽ thay bà làm các công việc này. Cho ăn phải chia làm nhiều bữa, vì gần đây xuất hiện một đàn cáo, tối chúng ra ăn tranh.

Biết tôi đang tìm hiểu về mèo hoang ở Israel, bà Meira không muốn trả lời mà cho số điện thoại của một người bạn cũng là người yêu mèo. “Cô ấy sẽ nói cho bạn biết nhiều chuyện về mèo ở đất nước này”, bà cười ẩn ý.

Vương quốc của mèo 

Tại Israel, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của mèo ở khắp mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn. Mèo nuôi trong nhà. Mèo chạy ngoài đường. Mèo ở góc phố, vườn hoa. Mèo trong gara ôtô. Mèo trước cửa siêu thị. Dọc theo con đường ven các bãi biển, những chú mèo vờn đuổi nhau hoặc nằm ườn trên bãi cỏ, tận hưởng ánh nắng vàng dịu và bầu trời xanh ngắt không gợn mây của Địa Trung Hải. Một lần thấy hình ảnh con mèo ngồi lặng yên bên cạnh ngọn hải đăng cổ ở cảng Tel Aviv, tôi liên tưởng tới một “pho tượng mèo” đang hướng về quá khứ tìm câu trả lời cho nguồn gốc của xã hội loài mèo tại đây. 

Không có số liệu chính xác nào về số lượng mèo hoang và mèo nuôi tại Israel. Bộ Nông nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về thú nuôi, ước tính có tổng cộng khoảng 1 triệu con mèo hoang tại nước này. Trong khi đó, các chuyên gia và người dân cho rằng số mèo hoang tại Israel lên tới 2 triệu, tức cứ 4-5 người dân Israel lại có một con mèo. Với số lượng như vậy, mật độ mèo hoang lên tới 2.000-3.000 con/km2, tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Jerusalem hay Tel Aviv, nơi lũ mèo dễ dàng tìm kiếm thức ăn hơn. 

Chú thích ảnh
Những chú mèo ở Israel. 

Theo số điện thoại bà Meira đưa, tôi gọi cho Orly. Chị hẹn gặp 10 giờ tối Thứ 3, địa chỉ là con phố nhỏ ở bắc Tel Aviv, ngay sát công viên Hayarkon – công viên lớn nhất thành phố. Dù khá lỉnh kỉnh với máy ảnh, máy quay, chân máy, tôi vẫn quyết định đạp xe đến điểm hẹn. Thời tiết cuối tháng 11 se se lạnh, thong thả đạp xe xuyên qua những hàng cây buổi tối trong công viên là một thú hưởng thụ xa xỉ ở thành phố này. 

Trước mặt tôi là một phụ nữ ngoài 40 tuổi, ăn mặc đơn giản, tay xách một túi to đựng đầy thức ăn cho mèo. Có lẽ đã được giới thiệu từ trước nên chị chỉ chào hỏi qua quýt rồi giục tôi ra xe ô tô đỗ cách đó không xa. Chiếc xe 4 chỗ với hai hàng ghế sau được hạ thấp, chất đầy tới nóc những đồ đạc lỉnh kỉnh. Hộp xốp, thùng carton, chăn rách, báo cũ, bình nước loại 20 lít, đồ sơ cứu, thức ăn đóng hộp và cả một cái lồng sắt. Chị Orly giải thích đó là một cái bẫy, để trên đường đi nếu gặp một con mèo bị thương, cần điều trị, chị sẽ cho thức ăn vào bẫy nó và đưa về trung tâm cứu hộ.  

Chị Orly là một trong hàng nghìn người dân ở Israel thường xuyên mang thức ăn và chăm sóc mèo hoang như chăm thú cưng trong nhà. Người già dùng lương hưu mua thức ăn cho mèo đặt trước cửa. Người trẻ hơn mang tới các điểm xa khu dân cư. Trẻ hơn nữa thì xung phong làm tình nguyện viên cho các tổ chức cứu hộ động vật. Nhóm của chị Orly gồm 7 thành viên, là giáo viên, nhân viên văn phòng hoặc người già về hưu. 8 năm qua, họ lên lịch thay phiên nhau đến 5-6 điểm xa khu dân cư, nơi lũ mèo ít được quan tâm. Gần đây, một người trong nhóm chuyển chỗ ở nên chị phụ trách 2 ngày/tuần. Công việc bao gồm tiếp nước, tiếp thức ăn, lo lót chỗ ở, kiểm tra xem có con mèo nào bị bệnh hoặc đến kỳ triệt sản hay không. 

Chú thích ảnh
Chiếc ô tô của chị Orly luôn chất đầy thức ăn và đồ cứu hộ cho mèo.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là một vườn hoa. Nghe tiếng “xịt xịt” quen thuộc của chị Orly, từ trong bóng tối hàng chục con mèo túa ra, cọ người vào chân chị đòi ăn. Nhác thấy người lạ, chúng có vẻ e dè. Một vài con sợ sệt chạy ngược trở lại chỗ nấp khi thấy tôi giơ máy ảnh. Đặc biệt, có cả hai con ngỗng cũng lạch bạch chạy ra, ăn chung thân thiện với đám mèo. Chị Orly nói: “Trước đây khu này là nơi tụ tập của những người vô gia cư sống trong lều bạt. Cách đây vài năm, thành phố đưa họ đi nơi khác. Lũ mèo không còn ai cho ăn nữa. Hai con ngỗng này không biết từ đâu ra, mới xuất hiện cách đây vài tháng”. 

Vườn hoa này nằm ngay trung tâm Tel Aviv, kẹt giữa một bên là trục đường xuyên tâm và một bên là tuyến đường sắt, nên xung quanh không có cư dân sinh sống. Cách đó chỉ vài trăm mét theo đường chim bay là trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Israel. Tôi vẫn thường xuyên đi qua đoạn đường này, không ngờ lại có nhiều mèo hoang đến vậy. Nếu không có những người như chị Orly thì không biết lũ mèo sẽ tồn tại như nào. Ngoài ra, giá thức ăn cho mèo ở một thành phố đắt đỏ nhất thế giới chắc chắn không hề rẻ. Một người vẻ ngoài không có gì là khá giả như chị Orly… khiến tôi tò mò.

- Công việc chính của chị là gì? Tiền mua thức ăn mèo chị tự bỏ ra à? – Tôi hỏi.

"Ban ngày tôi làm nghề vật lý trị liệu, chăm sóc người bệnh, người già trong các trung tâm. Những thứ này là nhóm chúng tôi tự góp tiền hàng tháng", chị trả lời.

- Vậy có tốn kém không?

"Rất tốn. Trung bình hạt thức ăn giá khoảng 30 shekels (200.000 đồng)/kg. Mỗi tháng tối thiểu vài chục kg. Chúng tôi không có nhiều tiền, phải kêu gọi quyên góp thêm từ những người khác. Bà Meira khá giả. Có những tháng bà bỏ ra 10.000 shekel (gần 3.000 USD) để mua đồ và thuê người cho mèo ăn". 

- Mèo ở Israel sướng nhỉ? – Tôi cười đùa.

"Không hẳn như vậy đâu. Chỉ ở Tel Aviv lũ mèo được chăm sóc tốt hơn. Các thành phố khác chúng tội nghiệp lắm. Chúng rất gầy. Mai tôi gửi ảnh và clip do bạn tôi ở Beer Sheva chụp cho bạn xem".

- Thế còn chính quyền thành phố, họ được cấp ngân sách mà?

"Họ được cấp rất nhiều tiền, nhưng không đủ. Thậm chí có nơi tôi nhìn thấy lũ mèo cần được phun thuốc phòng bệnh và triệt sản. Tôi gọi điện đến chính quyền quận thì họ trả lời là không làm. Các bác sĩ thú y ở đó được trả lương rất cao, khoảng 70.000- 80.000 USD/năm. Nhưng họ không chịu triệt sản cho mèo". 

Đến đây thì tôi đã hiểu nụ cười đầy ngụ ý của bà Meira. Chị Orly cho biết thời tiết Israel ấm áp nên lũ mèo sinh sôi nảy nở nhanh chóng. Mỗi năm chúng có thể đẻ 3 lứa, mỗi lứa tới 6 con. Nếu tỷ lệ triệt sản dưới 70% thì số lượng mèo sẽ tăng lên liên tục. Cả nước có hàng trăm tổ chức, hội nhóm thiện nguyện ngày ngày kêu gọi quyên góp tiền để mua thức ăn, tìm kiếm cứu hộ, triệt sản, tiêm vaccine phòng bệnh và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mèo. Chính phủ Israel gần đây đã bổ sung thêm nhiều ngân sách cho chăm sóc chó mèo, nhưng so với nhu cầu thì không bao giờ đủ.

Điểm cuối cùng của chuyến đi là nhà ga Savidor. Nhân viên gác cửa có lẽ đã quá quen với chị Orly, thấy tôi đi cùng không buồn hỏi, lặng lặng mở chốt khóa cửa phụ cho vào. Đàn mèo trong đây chỉ khoảng 4-5 con, nhưng vì thiếu người cho ăn nên chúng khá gầy. Có một con sắp tới chị sẽ phải bắt về để đưa tới bác sĩ thú y triệt sản. 

Phỏng vấn chị Orly – người dân Tel Aviv: 

 

Chú thích ảnh
Chị Orly chơi đàn ở nhà ga Savidor sau khi cho mèo ăn.

Ngoài 23.00 giờ. Nhà ga chỉ còn người lao công già nhặt rác bên chiếc xe chất đầy dụng cụ vệ sinh. Chị Orly bảo: “Ông ấy già rồi mà vẫn phải làm thêm giờ này. Tel Aviv vẫn còn nhiều người nghèo lắm”. Đi ngang trước điểm quẹt thẻ vào khu vực chờ tàu, một chiếc piano đại được đặt giữa sảnh cho người qua lại thư giãn. Chị Orly hỏi tôi có thời gian không, chị muốn chơi một bản nhạc. Học piano từ khi còn trẻ, cuối tuần, ở nhà ngoài chăm sóc cho 8 con mèo, chị lại chơi đàn giải khuây. Đoán chừng chị sống một mình, tôi bảo: “Chị cứ tự nhiên, tôi sẽ chụp cho chị vài tấm ảnh làm kỷ niệm”. Trong không gian vắng lặng, bản cổ điển Fantasie Impromtu của Chopin lúc trầm lắng, lúc xôn xao, như sự tương phản của một thành phố Tel Aviv với những tòa nhà cao tầng tráng lệ, phía sau là cuộc sống của những người dân bình thường với những nỗi niềm riêng. 

Tình yêu hay đam mê?

Không giống như tôi tưởng tượng, mèo hoang tại Israel không hẳn là mèo hoang. Khác với mèo sống hoang dã, dựa vào nguồn thức ăn hoàn toàn tự nhiên, mèo hoang ở đây thường được người dân cho ăn uống khá đầy đủ, đa phần là béo tốt và thân thiện với người lạ. Nhưng chúng cũng không phải là mèo nhà. Nhìn thấy một con mèo trên phố, nếu bạn rảo bước lại gần, chúng sẽ lủi đi. Nhưng nếu ngồi xuống và tỏ cử chỉ thân thiện, chúng sẽ xán lại gần vì nghĩ rằng được cho ăn. Vì vậy, những người yêu mèo gọi chúng mèo “cộng đồng”. Nhiều người không thích mèo thì gọi chúng là “mèo hoang”.

Trung tâm cứu hộ động vật Tel Aviv ngày nào cũng nhận được những cú điện thoại qua đường dây nóng báo có chó mèo bị nạn, cần tới cứu hộ. Ba chiếc xe ô tô tải nhỏ và hàng chục chiếc xe máy xếp hàng sẵn sàng chờ có điện thoại là lên đường. Những con vật bị lạc, bị thương được người dân phát hiện sẽ được đưa về đây để phẫu thuật, chữa trị, chăm sóc một thời gian trước khi thả về cộng đồng. 

Chú thích ảnh
Trung tâm cứu hộ động vật thành phố Tel Aviv.

Mất gần 1 tháng trời với những thủ tục hành chính và những cuộc hẹn lên xuống, tôi mới được phép vào bên trong của trung tâm cứu hộ, chụp ảnh và phỏng vấn. Ông Holzman, giám đốc kiêm bác sĩ thú y duy nhất ở đây cho biết chỉ có 15 phút trả lời, vì hôm nay có rất nhiều chó mèo đang chờ được chữa trị. Trung tâm có tổng cộng 23 nhân viên trong biên chế và 20 nhân viên tình nguyện hỗ trợ. Ngân sách hoàn toàn do chính quyền cấp. Mỗi ngày trung tâm nhận được khoảng 5-6 con mèo được đưa về, chưa kể chó. Có những con mèo phải ở lại đây điều trị 5-7 ngày, thậm chí cả tháng.

Phỏng vấn ông Holzman Israel, Bác sĩ thú y tại Trung tâm cứu hộ chó mèo Tel Aviv:

Nằm trên một khoảng đất rộng cách xa khu dân cư để đảm bảo an toàn dịch bệnh và chống ô nhiễm, Trung tâm cứu hộ bao gồm một khu văn phòng, một “bệnh xá thú y”, một khu dành cho chó và một khu dành cho mèo tách biệt. Đặc biệt, bên cạnh là một công viên rộng, rào kín để hàng ngày các tình nguyện viên đến dắt chó đi dạo, hoặc cho chúng làm quen dần với chủ mới trước khi có một gia đình nhận nuôi. 

Biết tôi là người Việt Nam, chị Myrene, một tình nguyện viên của Trung tâm, chủ động ra bắt chuyện. Chị nghe bạn bè đi du lịch tới Việt Nam về khen rất nhiều, nhưng chưa có cơ hội đặt chân tới Việt Nam. Là người Nam Phi nhập cư vào Israel cách đây 18 năm, chị đã có 8 năm làm việc tại trung tâm này. Ngày nào cũng vậy, từ 6 rưỡi sáng đến 4 giờ chiều, chị đều có mặt tại để tình nguyện chăm sóc chó mèo. Tối về lại dạy tiếng Anh để có thu nhập, trang trải tiền thuê nhà, điện nước. Công việc tại trung tâm rất vất vả, bao gồm việc vệ sinh tắm rửa các khu chuồng trại, chăm sóc những con vật bị thương. Ngoài ra, chị còn phải liên hệ tìm người nuôi và huấn luyện để chó mèo làm quen với chủ mới. 

Chú thích ảnh
Chị Myrene - tình nguyện viên tại Trung tâm Cứu hộ Động vật thành phố Tel Aviv.

Câu chuyện đang dở, chị Myrene bỗng bật dậy khi thấy một con mèo xổng ra khỏi chuồng. Sau một hồi đuổi bắt không được, chị chạy vào trong lấy ra một cái bẫy lồng, đặt thức ăn vào trong và để trong một lùm cây. Chị giải thích: “Khác với chó, mèo sẽ không chạy đi xa. Khi nào đói nó sẽ trở về. Ngoài ra, mèo là giống có tập tính lãnh thổ cao. Nếu phát hiện ở địa điểm nào thì sau khi chữa trị phải đưa về đúng nơi cũ, nếu không chúng sẽ không tồn tại được. Chúng sẽ bị những con mèo khác bắt nạt và không có thức ăn”.

Chị cho biết các tình nguyện viên tại trung tâm này bao gồm từ những người nghỉ hưu tới các sinh viên. Tất cả họ tới đây đều tự nguyện, không được trả công một đồng. Họ làm việc vì tình yêu dành cho động vật. Chị tâm sự: “Mấy năm xảy ra dịch COVID-19, rất nhiều người đến nhận nuôi chó mèo vì họ ở nhà nhiều. Khi hết dịch bệnh, họ thả chúng ra đường nhiều lắm. Công việc thu gom và chăm sóc chó mèo rất vất vả. Với người khác là tình yêu, còn với tôi, chăm sóc vật nuôi là một sự đam mê”.

Phỏng vấn chị Myrene – tình nguyện viên Trung tâm cứu hộ chó mèo Tel Aviv:

Niềm tin tôn giáo

Có nhiều tài liệu nói về nguồn gốc của mèo tại Israel, trong đó phổ biến nhất là chuyện người Anh khi tới đây xâm chiếm thuộc địa đã mang theo mèo để xử lý vấn nạn chuột. Qua thời gian, giống mèo sinh sôi nảy nở nhanh chóng. Trước đây, luật pháp Israel cho phép bắt giết mèo hoang, nhưng kể từ năm 2004 việc này bị cấm sau khi bị các nhóm tôn giáo và bảo vệ động vật phản đối.

Có người nói rằng nếu không được triệt sản, chỉ trong vài năm số lượng mèo sẽ vượt dân số Israel. Với một số địa phương, mèo đã trở thành vấn nạn. Không được cho ăn đầy đủ, chúng tiêu diệt những con vật nhỏ như thằn lằn, rắn, chim, tắc kè…, gây mất cân bằng sinh thái.

Không giống như sở hữu chó cần giấy phép và gắn chíp nhận dạng, người dân Israel có thể tự do nuôi mèo trong nhà. Ước tính, chi phí cơ bản để nuôi một con mèo vào khoảng 350-400 USD/năm, chưa kể các chi phí phụ như đồ chơi, chữa bệnh, tiêm phòng. Giá cả leo thang khiến nhiều người quyết định thả chúng lang thang ngoài đường, biến chúng thành “mèo cộng đồng”. 

Mèo thường di chuyển trong phạm vi bán kính từ 700 đến 1.000 mét, tùy vào nguồn thức ăn sẵn có hay không. Sống lang thang ngoài phố, chúng thường gặp nhiều vấn đề như đẻ liên tục, đói khát, bệnh tật do thời tiết khắc nghiệt, bị thú hoang tấn công hoặc tai nạn do ô tô đâm. Tổ chức cứu hộ động vật S.O.S Pets cho biết, với mạng lưới cộng tác viên khắp cả nước, mỗi năm tổ chức này cứu hộ được khoảng 2.000 con mèo, không kể chó. Vất vả nhất là khâu chữa trị, chăm nuôi một thời gian rồi tìm kiếm người nhận nuôi hoặc thả chúng về môi trường. 

Phỏng vấn – ông Doron Elbuz, Giám đốc Tổ chức cứu trợ động vật S.O.S Pets: 

Chú thích ảnh
Ông Doron Elbuz, Giám đốc tổ chức cứu trợ động vật S.O.S Pets.

Mỗi năm chính phủ Israel phải chi khoảng 4,5 triệu shekels để cấp cho chính quyền các địa phương chăm sóc mèo hoang. Tuy nhiên, số tiền này không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế, bởi chỉ riêng chi phí triệt sản để duy trì cho “dân số” mèo không tăng lên đã cần gấp đôi con số này. Trước yêu cầu của các địa phương, mới đây Bộ Nông nghiệp Israel thông báo sẽ cấp bổ sung 2 triệu shekels (khoảng 590.000 USD) để hỗ trợ duy trì hoạt động cứu hộ, chi trả cho các bác sĩ thú y chữa trị và triệt sản cho mèo hoang. 

S.O.S Pets đang thực hiện chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về cách bảo vệ mèo hoang. Ví dụ cách làm chỗ trú, cách cho ăn, cách liên hệ với trung tâm cứu hộ. Hoặc vào mùa Đông, trước khi lên xe ô tô mọi người nên gõ vào thùng xe, bởi có thể sẽ có một con mèo chui vào khoang máy để ủ ấm. Ông Doron Elbuz, Giám đốc Tổ chức cứu trợ động vật S.O.S Pets, nói: “Khoảng 80% nguồn ngân sách của trung tâm là do đóng góp thiện nguyện từ cộng đồng. Ở Israel mèo được coi là một phần của gia đình mở rộng. Mèo là một thành viên của gia đình. Đó là cách người Israel thể hiện tình yêu với mèo. Qua đó họ cũng nhận lại tình yêu thương mà lũ mèo mang lại”.

Có ý kiến cho rằng tình yêu dành cho loài mèo của người Israel bắt nguồn một phần từ những quy định cấm ngược đãi động vật của đạo Do Thái. Không những vậy, người theo đạo Cơ đốc cũng cấm các hành vi tàn ác với động vật. Còn trong kinh thánh của đạo Hồi cũng có câu “làm một điều tốt với động vật cũng tạo đức giống như làm một điều tốt với con người”. Tuy nhiên, điểm chung này không giúp ngăn chặn một “vết rạn” trong lòng xã hội Israel liên quan đến vấn đề mèo hoang. 

Nhiều người phản đối việc cho mèo hoang ăn ngoài không gian công cộng, vì thức ăn thừa gây mất vệ sinh, thu hút côn trùng và có thể là nguồn lây lan dịch bệnh. Thậm chí, một số công trình nghiên cứu nghiêm túc còn chỉ ra rằng nuôi mèo “cộng đồng” trên thực tế là làm hại chúng. Lũ mèo sinh sôi quá nhiều kết cục sẽ rơi vào tình trạng đói ăn hoặc dễ gặp tai nạn.

Ngoài ra, việc nên hay không nên triệt sản cho mèo là cũng là chủ đề gây tranh cãi. Giới khoa học ước tính cần phải triệt sản khoảng 70% đàn mèo trong vòng 6 tháng thì số lượng mèo tại Israel mới ngừng tăng lên. Trong khi đó, người Do Thái chính thống phản đối việc này vì triệt sản “đi ngược lại với niềm tin tôn giáo”. 

Hành trình đi tìm hiểu câu chuyện về mèo đã giúp tôi hiểu thêm một nét đẹp trong tâm hồn của những người dân Israel như chị Orly. Nhưng nó cũng dẫn đến một không gian nhận thức khác có phần mông lung, nơi niềm tin và lý trí va đập, tạo ra những mâu thuẫn trong thực tế cuộc sống không dễ giải quyết. Kìm hãm hay thả mặc cho đàn mèo sinh sôi? Đâu là lời giải cho bài toán ngân sách? Có nên để đàn cáo và những con ngỗng tranh ăn hay không? Khoảng 10.000 năm trước, loài mèo bắt đầu được con người thuần hóa và nuôi trong nhà như một người bạn hữu ích. Ít ai ngờ, giờ đây chúng đang tạo ra một vấn đề hóc búa trong thế giới hiện đại.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Israel)
Những người nổi tiếng tuổi Mão trên thế giới
Những người nổi tiếng tuổi Mão trên thế giới

Theo quan niệm dân gian, những người sinh năm Mão thường được đánh giá là mẫu người nhẹ nhàng, mưu trí, tốt bụng, kiên nhẫn và rất có trách nhiệm. Dưới đây là những người tuổi Mão nổi tiếng trên thế giới, những người đã gặt hái được thành công tiêu biểu trong lĩnh vực nghề nghiệp của bản thân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN