Phóng viên TTXVN thường trú tại Israel cho hay, để đối phó với nguy cơ sắp tới, NEA đã kêu gọi chính phủ Israel tranh thủ thời gian dịch đang giảm để tăng cường trang bị trang thiết bị y tế cho bệnh viện như máy thở và thiết bị liên quan. Theo NEA, một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới có thể xảy ra vào thời điểm Năm Mới của người Do Thái vào giữa tháng 9 tới.
Dự báo số ca mắc có thể tăng gấp đôi so với hiện nay, lên tới hàng chục nghìn người. Hàng nghìn bệnh nhân sẽ phải nhập viện. Uớc tính con số tử vong là từ vài trăm cho tới vài nghìn người. Báo cáo trên được đưa ra sau khi Israel dỡ bỏ nhiều biện pháp phong tỏa và số ca mắc mới có xu hướng giảm.
Tối cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo đã ghi nhận 2 ca tử vong, và chỉ có 43 trường hợp mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong số 5.586 ca được ghi nhận dương tính với virus SARV-CoV-2, 91 người hiện ở tình trạng nghiêm trọng. Hơn 10.000 bệnh nhân đã phục hồi.
Sau khi số ca mắc mới liên tục giảm tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 4/5 đã tuyên bố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 7/5. Tuy nhiên, ông nêu rõ các cơ quan hữu quan sẽ xem xét lại việc nới lỏng nếu vẫn có khoảng 100 ca mắc mới mỗi ngày hay số ca bệnh nặng vẫn hơn 250 trường hợp. Nếu dịch diễn biến theo chiều hướng tốt, những giới hạn về tụ tập đông người sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn từ giữa tháng 6.
* Cũng trong ngày 5/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Abdulhamid Saeed nhận định dịch COVID-19 là phép thử lớn đối với hệ thống tài chính nước này, song các ngân hàng UAE có thể vượt qua "cú sốc" kinh tế nảy sinh từ đại dịch.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Trung ương UAE nhận định hiện còn quá sớm để đánh giá chi tiết về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, song định chế tài chính này sẵn sàng can thiệp và hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Năm 2019, ngành ngân hàng UAE duy trì tăng trưởng tích cực với mức độ vốn và thanh khoản cao. Dù triển vọng năm 2020 là chưa rõ ràng và hệ thống ngân hàng UAE sẽ đứng trước thử thách thực sự do tác động của dịch COVID-19, song Thống đốc Saeed nhận định khu vực ngân hàng nước này có vị thế đủ tốt để có thể đương đầu với sức ép đáng kể.
Ngay từ đầu tháng 4, UAE đã tăng gấp đôi quy mô gói kích thích kinh tế lên tới 69,7 tỷ USD, cũng như tạo điều kiện cho ngân hàng và thể chế tài chính khác cung cấp những khoản vay ưu đãi. Theo ông Saeed, vai trò của ngành ngân hàng UAE càng trở nên quan trọng trong duy trì ổn định tài chính và bảo vệ người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, giới chức UAE sẽ đánh giá lại các ưu tiên chiến lược, chủ động giải quyết những thách thức đối với toàn bộ hệ thống tài chính.
Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global của Mỹ đánh giá, trong số các nền kinh tế thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), hệ thống ngân hàng của UAE, Bahrain và Oman là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của dịch COVID-19.