Theo trang tin về Trung Đông Al-monitor.com ngày 26/7, năm tháng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Israel nhận thấy họ đang ở thế đối đầu với Moskva. Hành động cân bằng được thực hiện bởi cựu Thủ tướng Naftali Bennett giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky với tư cách là nhà hòa giải, đã mang lại cho Israel một khoảng thời gian "yên bình" giữa hai bên.
Việc Thủ tướng Bennett từ chức và người kế nhiệm ông là Yair Lapid diễn ra vào đầu tháng này đã đặt dấu chấm hết cho "tuần trăng mật" đó. Nga đang đe dọa đóng cửa hoạt động của chi nhánh Cơ quan Do Thái ở Nga. Cơ quan Do Thái có trụ sở tại Jerusalem là tổ chức phi lợi nhuận của người Do Thái lớn nhất trên thế giới nhằm khuyến khích và giúp đỡ những người Do Thái di cư đến Israel.
Theo quan điểm của Israel, động thái như vậy của Moskva là một bước đi gây căng thẳng. Nhập cư vào Israel là một trong những nguyên lý cơ bản làm nền tảng cho nhà nước Do Thái. Với hàng trăm nghìn người Do Thái vẫn đang sống ở Nga, Israel coi việc đình chỉ cơ quan hỗ trợ nhập cư vào nước này là một tín hiệu gây căng thẳng rõ ràng.
Tại thời điểm này, sự phối hợp quân sự giữa Israel và Nga trên lãnh thổ Syria vẫn được duy trì. Kể từ khi ông Lapid lên nắm quyền, Israel được cho là đã tiến hành ít nhất một cuộc không kích vào các mục tiêu ở Syria. Cơ chế đối thoại quân sự giữa Bộ Quốc phòng Nga với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Không quân Israel (IAF) dường như vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, Israel cũng lo ngại cuộc khủng hoảng ngoại giao trên sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực an ninh và hạn chế khả năng hoạt động chống lại ảnh hưởng của Iran ở Syria.
“Câu hỏi đặt ra là Nga sẵn sàng đi bao xa trong trường hợp này. Hiện tại, cuộc khủng hoảng có vẻ mang tính kỹ thuật; ông Putin vẫn chưa cân nhắc về vấn đề này. Đây có thể là một tín hiệu cảnh báo của Nga và không nhiều hơn thế”, một nguồn tin ngoại giao cấp cao của Israel nói trong điều kiện giấu tên.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ngày 26/7 rằng: "Tình hình không nên được chính trị hóa hoặc quy chiếu lên toàn bộ mối quan hệ Nga-Israel".
Để giải quyết tình hình, Israel được cho là đã cử một phái đoàn pháp lý đến giải quyết các vấn đề của Cơ quan Do Thái ở Moskva. Trong khi đó, Thủ tướng Lapid đã ra lệnh cho các quan chức cấp cao của Chính phủ Israel ngừng lên tiếng về vấn đề này, thể hiện cách tiếp cận ủng hộ việc tránh đối đầu với Nga.
Ông Herzog, người từng là Chủ tịch Cơ quan Do Thái trong ba năm trước khi nhậm chức tổng thống, cũng đã chủ động tham gia để xoa dịu cuộc khủng hoảng. Ngày 25/7, ông đã gặp Thủ tướng Lapid và vào sáng 26/7 đã đưa ra một tuyên bố nhằm tìm cách dập tắt cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga.
“Tôi cho rằng chúng ta càng ít nói về vấn đề [trên báo chí] càng tốt. Nó sẽ cho phép xử lý vấn đề một cách thích hợp. Nga là một quốc gia quan trọng. Có thể có nhiều kịch bản và lời giải thích khác nhau cho lý do tại sao và làm thế nào điều này xảy ra, nhưng vấn đề cần phải được giải quyết", Tổng thống Herzog nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông hoàn toàn phối hợp với Thủ tướng Lapid về vụ việc trên.
Cuộc khủng hoảng mới trên cũng đã trở thành một nội dung trong chiến dịch vận động bầu cử ngày 1/11 tới, khi những người theo phe đối lập của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu cáo buộc ông Lapid phá hoại mối quan hệ chiến lược mà ông Netanyahu đã xây dựng với Nga trong nhiều năm.
Cơ quan Do Thái là một tổ chức bán chính phủ ít được biết đến được thành lập vào năm 1929 để hỗ trợ những người Do Thái trên toàn thế giới muốn định cư tại Israel. Chi nhánh ở Moskva, chi nhánh tích cực tham gia vào việc thúc đẩy người Do Thái nhập cư vào Israel, được thành lập vào năm 1989. Trong những năm qua, khoảng 400.000 người Do Thái đã di cư đến Israel từ Nga và hơn một triệu người từ Liên Xô cũ. Hơn 17.000 người đã rời đi kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Các nguồn tin không chính thức của Nga cho rằng thông qua Cơ quan Do Thái, Israel đang khuyến khích việc di cư của những người mà Nga hiện cần nhất - những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao.