Theo hãng tin Reuters, quân đội Israel cho biết dựa trên thông tin tình báo chính xác, máy bay chiến đấu đã tấn công khu chỉ huy và kiểm soát của Hamas ở Jabalia, giết chết chỉ huy đơn vị tên lửa chống tăng của Hamas là Muhammad A'sar.
Tuyên bố của Israel nêu rõ: “Hamas cố tình xây dựng cơ sở hạ tầng bên dưới, xung quanh và bên trong các tòa nhà dân sự, cố tình gây nguy hiểm cho dân thường Gaza”. Hamas đã bác bỏ thông tin này.
Văn phòng Truyền thông Chính quyền Gaza do Hamas kiểm soát đã đưa ra số liệu cập nhật về các nạn nhân trong hai vụ đánh bom của Israel vào trại tị nạn Jabalia ngày 31/10 và 1/11. Theo đó, các vụ không kích Jabalia đã giết chết ít nhất 195 người Palestine, 120 người vẫn mất tích và rất có thể nằm dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập. Có 777 người bị thương.
Israel thông báo cuộc tấn công đầu tiên đã giết chết Ibrahim Biari - người chỉ đạo cuộc tấn công Israel ngày 7/10.
Israel đã bị lên án sau khi thực hiện hai vụ không kích trại Jabalia. Các quan chức nhân quyền Liên hợp quốc nói rằng hoạt động này của Israel có thể là một tội ác chiến tranh. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc viết trên mạng xã hội X: “Với số lượng dân thường thương vong cao và quy mô tàn phá sau các cuộc không kích của Israel vào trại tị nạn Jabalia, chúng tôi thực sự lo ngại rằng đây là những cuộc tấn công có thể cấu thành tội ác chiến tranh”.
Ngày 1/11, chính phủ Argentina lên án cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabalia, đồng thời nhấn mạnh không có gì biện minh cho việc Israel vi phạm luật nhân đạo quốc tế và nghĩa vụ bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột vũ trang. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Argentina nêu rõ chính phủ nước này công nhận quyền tự vệ chính đáng của Israel, song Tel Aviv bắt buộc phải ngăn chặn ngay lập tức các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là các cơ sở cung cấp các dịch vụ thiết yếu ở Dải Gaza, bao gồm bệnh viện, nhà máy lọc nước và các trung tâm tiếp nhận người tị nạn.
Liên đoàn Arab (AL) và Jordan ngày 31/10 đã phản ứng mạnh mẽ về vụ Israel không kích trại tị nạn Jabalia. Tổng thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ hành động này, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Dải Gaza.
Đồng quan điểm với người đứng đầu AL, Bộ Ngoại giao Jordan cũng chỉ trích vụ tấn công và cáo buộc Israel phải chịu trách nhiệm về diễn biến nguy hiểm này. Bên cạnh đó, Amman cũng chỉ trích chính sách leo thang căng thẳng liên tục của Israel ở Bờ Tây và xu hướng gia tăng các hoạt động tấn công của người định cư Do Thái nhằm vào dân thường Palestine.
Qatar cũng lên án vụ không kích nhằm vào trại tị nạn Jabalia, đồng thời cảnh báo những cuộc tấn công mở rộng nhằm vào các vùng đất của người Palestine sẽ làm suy yếu các nỗ lực hòa giải. Bộ Ngoại giao Qatar cảnh báo sẽ phản đối “việc Israel mở rộng những cuộc tấn công nhằm vào Dải Gaza bao gồm cả các mục tiêu dân sự”.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã chỉ trích vụ không kích trại Jabalia bằng những lời lẽ cương quyết nhất, cảnh báo hậu quả của chính sách tiếp tục thực hiện những cuộc tấn công bừa bãi nhằm vào dân thường không có khả năng tự vệ.
Trong khi đó, Ủy ban bảo vệ quyền trẻ em của Liên hợp quốc ngày 1/11 đã kêu gọi bảo vệ trẻ em, cũng như bày tỏ sự phẫn nộ trước nỗi đau khổ của trẻ em trong cuộc xung đột ở Trung Đông.
Ngày 31/10, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) James Elder cho biết 3.450 trẻ em Gaza thiệt mạng vì các cuộc đánh bom và con số này sẽ tiếp tục tăng sau mỗi ngày. Ông Elder cảnh báo Gaza đã trở thành “nghĩa trang” trẻ em, và là địa ngục đối với những người sinh sống tại vùng đất này. Ông cho rằng lẽ ra đã có thể cứu sống nhiều em nhỏ khỏi các vụ đánh bom.