Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, một trạm tiêm vaccine lưu động đã được dựng lên ngay tại quán Jenia Bar nhìn ra Quảng trường Dizengoff ở trung tâm thành phố Tel Aviv, nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán café, quán bar, đồng thời là một tụ điểm của giới trẻ về đêm. Chính quyền thành phố Tel Aviv cho biết bất cứ ai đến đây đều có thể được tiêm phòng miễn phí mà không cần đặt lịch hẹn. Ngoài ra, sau khi tiêm họ sẽ được nhận một voucher đồ uống miễn phí.
Được thực hiện thông qua việc kết hợp với “Hiệp hội nhà hàng và các dịch vụ về đêm”, sáng kiến đưa vaccine đến giới trẻ nhằm khuyến khích người dân đến tiêm phòng COVID-19 và tạo một động lực mới cho chiến dịch tiêm phòng tại Israel, trong bối cảnh vẫn còn nhiều người chưa đi tiêm phòng do bận công việc hoặc có tâm lý lo ngại về hiệu quả của vaccine. Bà Maya Nouri, thành viên Hội đồng thành phố Tel Aviv City, nhấn mạnh: “Nếu giới trẻ không đi tiêm vaccine, vaccine sẽ tìm đến họ”.
Theo thống kê, đến nay Israel đã tiêm chủng cho 45% dân số nước này, trong đó có 2,7 triệu người đã được tiêm đủ hai liều. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 2 triệu người thuộc diện cần tiêm nhưng vẫn chưa đi tiêm, bất chấp chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh. Điều này khiến các cơ quan chức năng Israel lo lắng sẽ không thể sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng và đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường.
Một cuộc khảo sát mới đây đối với những người chưa tiêm phòng cho thấy, 41% những người được hỏi nói rằng họ lo ngại tác dụng phụ của vaccine, trong khi 30% hoài nghi về hiệu quả của vaccine COVID-19.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, vaccine mRNA có tên ChulaCOV19 mà Thái Lan đang phát triển sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm đầu tiên trên người vào tháng 5 tới. Thái Lan hy vọng sẽ cùng đối tác là nhà sản xuất vaccine BioNet Asia sản xuất tối đa 5 triệu mũi vào cuối năm nay. Tiếp theo đó, nước này sẽ bắt đầu phát triển thế hệ vaccine thứ hai để chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong 2 tháng tới.
Dự kiến, giai đoạn đầu tiên của quá trình thử nghiệm trên người sẽ diễn ra vào tháng 5 với 36 tình nguyện viên. Giai đoạn hai từ tháng 7 đến tháng 9 có 600 người tham gia và và "giai đoạn 2b" với 5.000 người tham gia trong quý III đến quý IV năm nay. Những người tham gia trong độ tuổi từ 18 đến 75.
Vaccine mang đặc tính mRNA, do Trung tâm Nghiên cứu Vaccine Chula (CVRC) thuộc Đại học Chulalongkorn và các đối tác phát triển, sẽ là vaccine thứ hai của Thái Lan được thử nghiệm trên người sau vaccine ngừa COVID-19 được nuôi cấy trên trứng gà do Cơ quan Dược phẩm Chính phủ (GPO) sản xuất.
GPO đã phát triển thí điểm một loại vaccine NDV-HXP-S ngừa COVID-19 và có kế hoạch thử nghiệm trên người vào tháng tới, đồng thời dự kiến sản xuất trong năm 2022 với năng suất 30 triệu liều mỗi năm.
Tờ Bangkok Post ngày 19/2 dẫn lời Giám đốc CVRC Kiat Ruxrungtham nói rằng các thử nghiệm lâm sàng cho thấy "những kết quả hài lòng" rằng vaccine của trung tâm có thể ngăn chặn 100% sự lây nhiễm COVID và virus xâm nhập vào hệ thống máu. Ngoài ra, vaccine có thể làm lượng virus trong mũi và phổi của chuột giảm 10 triệu lần so với những con chuột chưa được thử nghiệm với vaccine. Các thử nghiệm cũng cho thấy không có mối lo ngại về độc tính liên quan đến vaccine.
Tiến sĩ Kiat cho biết hiệu quả của vaccine ChulaCOV 19 không khác nhiều so với Moderna do Mỹ sản xuất, cũng sử dụng công nghệ mRNA và trong một số liều lượng, hiệu quả tạo miễn dịch cơ thể tốt hơn gấp hai lần. Vaccine cũng có thể được bảo quản ở nhiệt độ cao hơn, từ 2-8 độ C trong ít nhất 1 tháng.
Ông Kiat cho biết trung tâm có thể không cần phải có thử nghiệm giai đoạn ba trên người nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất quy định mới miễn các thử nghiệm lớn trên người nếu các thử nghiệm lâm sàng cho thấy đạt mức độ miễn dịch nhất định theo khuyến nghị của WHO.