Theo bài đăng trên tạp chí PNAS, địa điểm trên được mô tả là một trong những quần thể thờ cúng cộng đồng sớm nhất trên toàn cầu và là địa điểm đầu tiên ở khu vực Levant cổ đại rộng lớn. Các nhà nghiên cứu cho biết công trình này phản ánh bước biến đổi từ các hoạt động tôn giáo cá nhân sang hoạt động có tổ chức, đồng thời cung cấp những hiểu biết sâu sắc về đời sống tâm linh của những người săn bắn hái lượm thời kỳ đồ đá cũ vốn coi trọng vai trò của các nghi lễ và biểu tượng trong sự gắn kết xã hội.
Các nhà nghiên cứu cho biết bao quanh khu quần thể tâm linh trên là các nhũ đá, trong đó có một nhũ đá được chạm khắc hình mai rùa. Đây có thể là một bảo vật tượng trưng cho sự tái sinh và đổi mới. Vết tích từ tro tàn cho thấy người xưa từng sử dụng lửa để thắp sáng và âm thanh tự nhiên của địa điểm này phản ánh rằng nơi đây từng được sử dụng cho các hoạt động cộng đồng.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy gần đó nhiều công cụ bằng đá lửa và vỏ sò biểu thị nền văn hóa Aurignacian, cùng một chiếc gạc hươu có thể liên quan các nghi lễ trong hang động.