Các đối tượng phù hợp sẽ được tiêm mũi vaccine thứ ba cách mũi hai ít nhất 3 tháng. Các cơ sở dịch vụ chăm sóc y tế (HMO) - mô hình kết hợp dịch vụ bảo hiểm và phòng khám, bệnh viện - đã nhận được chỉ đạo về việc triển khai kế hoạch mới. Ước tính, tại thời điểm hiện tại, có khoảng 1.000 trẻ em Israel ở độ tuổi 5-11 đủ điều kiện tiêm mũi vaccine COVID-19 bổ sung. Loại vaccine COVID-19 được sử dụng để tiêm cho trẻ em tại Israel là của hãng Pfizer.
Quyết định của Bộ Y tế Israel được đưa ra trên cơ sở kết quả nghiên cứu về tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em tại Israel trong làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron và hiệu quả của vaccine do Bộ Y tế phối hợp với Viện Khoa học Weizmann, Viện Technion, Đại học Hewbrew và Trung tâm Y tế Sheba tiến hành. Theo nghiên cứu này, trẻ em đã tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 trong vòng 2 tháng trở lại đây được bảo vệ tốt hơn trước biến thể Omicron so với những em đã tiêm trước thời gian này. Bên cạnh đó, trẻ em 5-11 tuổi đã tiêm hai mũi vaccine trong vòng 2 tháng gần đây được bảo vệ hiệu quả gấp hai lần so với những trẻ cùng độ tuổi không tiêm vaccine; thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi đã tiêm ba mũi vaccine được bảo vệ hiệu quả cao gấp 4 lần so với những em không tiêm phòng.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, số ca lây nhiễm tại Israel đã vượt qua con số 2 triệu người, trong đó có 8.362 trường hợp tử vong. Hiện Israel có gần 390.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 541 ca nặng. Israel đã tiêm vaccine được cho gần 6,7 triệu người, trong đó hơn 6 triệu người đã tiêm hai mũi, hơn 4,4 triệu người tiêm ba mũi và gần 600.000 người tiêm bốn mũi vaccine COVID-19.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Algeria dẫn nguồn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca COVID-19 và số ca tử vong hàng tuần ở châu Phi đã "giảm đáng kể" và đây là lần giảm đầu tiên kể từ đỉnh điểm của đợt dịch thứ tư bùng phát do biến thể Omicron.
Theo WHO, Nam Phi, nơi biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện, đã có xu hướng giảm trong 4 tuần qua. Tuy nhiên, khu vực Bắc Phi đang báo cáo sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua, với mức cao nhất là tăng 55%. Hiện Tunisia, Maroc và Algeria là 3 quốc gia có số ca mắc COVID-19 đang gia tăng mạnh trong những ngày gần đây. Cụ thể, trong ngày 20/1, Tunisia đã ghi nhận thêm 12.698 ca COVID-19 mới và 14 ca tử vong; Maroc với 9.061 ca mới và 22 ca tử vong; Algeria với 1.552 ca mới và 10 ca tử vong.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cho biết: "Khi nào virus SARS-CoV2 vẫn còn tiếp tục lây lan, thì những làn sóng bùng phát dịch bệnh trong tương lai là không thể tránh khỏi, châu Phi không chỉ phải phổ cập hóa tiêm chủng mà còn phải tiếp cận rộng rãi và công bằng các phương pháp điều trị COVID-19 thiết yếu". Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp ở châu Phi, chỉ có 10% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.