Các nguồn tin quân sự cho biết Sư đoàn thiết giáp số 162 của Israel tăng cường oanh tạc ở phía Đông thành phố Rafah và khu vực cửa khẩu Rafah; tấn công các mục tiêu Hamas, bao gồm các bệ phóng tên lửa. Lực lượng biệt kích và bộ binh Israel tấn công Jabaliya trên bộ, trong khi Lực lượng Không quân tiến hành các cuộc không kích tại đây.
Theo ước tính của Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), khoảng 360.000 người đã di tản khỏi thành phố Rafah kể từ khi quân đội Israel ra lệnh sơ tán lần đầu tiên cách đây một tuần. Họ đang di chuyển đến những vùng đất trống, trong đó có cả Al-Mawasi, một dải đất nhỏ ven biển, được Israel chỉ định là "khu vực nhân đạo mở rộng”. Tuy nhiên, Hội đồng Tị nạn Na Uy cho biết khu vực này không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước cho các gia đình phải di tản, đặt ra nhiều vấn đề đáng báo động đối với sức khỏe của người dân.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhắc lại quan điểm của Mỹ phản đối chiến dịch lớn trên bộ tại thành phố Rafah. Ngoại trưởng Blinken cũng nhấn mạnh sự cấp thiết phải bảo vệ dân thường và nhân viên cứu trợ ở Gaza, đồng thời kêu gọi Israel đảm bảo viện trợ có thể được chuyển đến Gaza và giúp giải quyết các thách thức phân phối bên trong vùng lãnh thổ này.
Chiến dịch quân sự tại Rafah đã gây ra một trong những rạn nứt lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua trong quan hệ giữa Israel và đồng minh chủ chốt của nước này là Mỹ. Theo đó, Mỹ đã dừng một đợt vận chuyển đạn dược cho Israel để thể hiện phản đối chiến dịch trên.
Kể từ khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza bùng phát ngày 7/10 năm ngoái, viện trợ vũ khí của Mỹ cho Israel đã tăng mạnh. Một quan chức giấu tên ước tính Mỹ đã chuyển 1.800 quả bom 900kg và 1.700 quả bom 225kg cho phía Israel.