Ngày 8/12, một quan chức Israel nói với tờ The Times of Israel rằng còn quá sớm để đánh giá chính xác diễn biến nhanh chóng tại Syria ý nghĩa gì đối với Tel Aviv. Theo quan chức này, hiện tại, Israel đang cố gắng hạn chế tham gia vào diễn biến của Syria để có thể tập trung vào Iran.
Quân đội Israel ngày 8/12 cho biết họ đã triển khai lực lượng đến vùng đệm phi quân sự ở phía Tây Nam Syria, giáp với Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, sau khi Damascus rơi vào tay lực lượng nổi dậy.
Quân đội Israel viện dẫn "có khả năng các cá nhân trang bị vũ khí sẽ xâm nhập vào vùng đệm" để giải thích về quyết định triển khai quân đến vùng đệm. Quân đội Israel nhấn mạnh: "Sau các sự kiện gần đây ở Syria, IDF đã triển khai lực lượng tại vùng đệm và một số địa điểm khác cần thiết cho mục đích phòng thủ, nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng ở Cao nguyên Golan và người dân Israel”. Đáng chú ý, tuyên bố nhấn mạnh rằng quân đội Israel "không can thiệp vào các sự kiện nội bộ ở Syria".
Trong một diễn biến khác, truyền thông Syria đưa tin, Israel đã không kích khu vực Daraa và Suwayda ở miền Nam Syria, cũng như tại căn cứ không quân Mezzeh gần thủ đô Damascus. Các cuộc không kích còn nhắm vào kho đạn dược và vũ khí tại căn cứ không quân Khalkhalah ở Suwayda, một số địa điểm ở tỉnh Daraa. Hiện Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) chưa đưa ra bình luận về thông tin này. Có tranh luận công khai về việc liệu Israel có nên không kích tiêu hủy một số vũ khí chiến lược nhất định của quân đội Syria có nguy cơ rơi vào tay các nhóm nổi dậy.
Dưới đây là video cho thấy xe tăng Israel xuất hiện gần biên giới với Syria ngày 8/12 (nguồn: Reuters):
Cao nguyên Golan từng là một phần lãnh thổ của Syria. Năm 1967, Israel chiếm phần lớn diện tích khu vực này trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày. Đến năm 1981, Israel sáp nhập Cao nguyên Golan.
Cộng đồng quốc kế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ghi nhận động thái sáp nhập đơn phương này. Trong khi đó, Syria yêu cầu Israel trả lại lãnh thổ.
Syria cố gắng giành lại Cao nguyên Golan trong cuộc chiến Trung Đông năm 1973 nhưng không đạt được mục tiêu. Israel và Syria ký hiệp định đình chiến vào năm 1974. Năm 2000, hai nước tổ chức đàm phán cấp cao về khả năng trả lại Cao nguyên Golan và một thỏa thuận hòa bình. Nhưng cuộc đàm phán đã thất bại và những sự kiện tương tự sau đó cũng vậy. Có khoảng 40.000 người sinh sống tại Cao nguyên Golan, trong đó một nửa là người định cư Israel, nhiều người trong số họ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.