Theo NTV, tại cuộc đàm phán kín bắt đầu ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tối 10/2, dẫn đầu phái đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ là Thứ trưởng Ngoại giao Feridun Sinirlioglu, còn đoàn đàm phán của phía Israel là cố vấn của Thủ tướng Israel Joseph Ciechanover và Cố vấn An ninh Quốc gia Jacob Nagel. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên sau cuộc họp kín hồi tháng 12/2015.
Giới chức Israel hiện vẫn từ chối bình luận về thông tin trên, trong khi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ không xác nhận và cũng không phủ nhận. Dù không xác nhận về cuộc đàm phán mới này, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp song vẫn chưa đạt được một thỏa thuận trong các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ và tăng cường hợp tác năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ từng là đồng minh chủ chốt của Israel trong khu vực cho đến khi quan hệ rạn nứt sau vụ lính đặc công Israel tấn công tàu cứu trợ Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tới Gaza làm nhiều người thiệt mạng vào năm 2010.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Sự việc này buộc hai nước phải rút đại sứ về nước và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra 3 điều kiện đối với Israel để đổi lấy sự bình thường hóa quan hệ gồm: Dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza, bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tàu Mavi Marmara và xin lỗi về vụ việc này.
Chấp thuận đòi hỏi trên của Ankara, hồi năm 2013, Israel đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ việc, đồng thời tuyên bố sẽ bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza vẫn tiếp tục là chủ đề tranh cãi. Sau đó, các nỗ lực khôi phục quan hệ rơi vào bế tắc khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công Dải Gaza năm 2014.
Tới trung tuần tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đề cập việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và nhấn mạnh điều này sẽ đem lại lợi ích cho toàn khu vực Trung Đông.