Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nghiên cứu của Trung tâm Y tế Sheba do hãng dược Pfizer của Mỹ tài trợ, đã được Bộ Y tế Israel phê duyệt và Ủy ban Helsinki - cơ quan giám sát các thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người - chấp thuận.
Nghiên cứu sẽ đánh giá tính an toàn, khả năng dung nạp và khả năng tạo miễn dịch khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech liều cao hơn (60 µg). Các nhà khoa học cũng sẽ thử nghiệm vaccine trên nền tảng Omicron (60 µg) và kết hợp cả hai loại vaccine (mỗi loại 30 µg hoặc 15 µg) trong mũi tiêm thứ 4 cho người trên 60 tuổi.
Khoảng 200 tình nguyện viên đã đăng ký tham gia chương trình thử nghiệm, chủ yếu là nhân viên y tế của bệnh viện Sheba và người thân của họ. Những người này trước đó đã được tiêm 3 mũi vaccine của Pfizer, trong đó liều mới nhất được tiêm trước 4 tháng so với thời điểm đăng ký thử nghiệm. Dự kiến, các tình nguyện viên sẽ được tiêm những mũi thử nghiệm đầu tiên từ cuối tháng 2 này.
Giáo sư Gili Regev-Yochay, Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Sheba nhận định cuộc thử nghiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh thế giới đang tiếp tục cuộc chiến với những biến chủng này và có thể còn nhiều biến chủng khác trong tương lai. Ông khẳng định tiêm vaccine vẫn là biện pháp duy nhất nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19
Tháng 1 vừa qua, hãng Pfizer-BioNTech đã bắt đầu nhận tình nguyện viên đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra mức độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19 và phản ứng miễn dịch đối với biển chủng Omicron. Với việc hợp tác cùng hãng Pfizer, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên tham gia thử nghiệm lâm sàng về vaccine ngừa biến chủng Omicron bên ngoài nước Mỹ.