Một tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Chiều nay (15/5), Lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Israel và được yêu cầu về nước để tham vấn trong một khoảng thời gian nhất định".
Xung đột giữa người biểu tình Palestines và binh sĩ Israel tại khu vực biên giới dải Gaza và Israel ngày 14/5. Ảnh: THX/TTXVN |
Trước đó cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Đại sứ Israel tại Ankara tạm thời về nước sau khi xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực giữa lực lượng quân đội Israel và người biểu tình Palestine tại Dải Gaza hôm 14/4 khiến hơn 60 người Palestine thiệt mạng.
Cũng trong ngày 15/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành phiên họp khẩn về xung đột bạo lực giữa Israel và Palestine ở Dải Gaza.
Ngay trước cuộc họp, Đại sứ Kuwait tại LHQ Mansour al-Otaibi cho biết nước này dự định lưu hành một dự thảo nghị quyết của LHQ nhằm bảo vệ dân thường Palestine. Theo ông al-Otaibi, dự thảo này nhiều khả năng sẽ được lưu hành vào ngày 16/5, song chưa rõ liệu dự thào có được đưa ra bỏ phiếu hay không. Theo giới chức ngoại giao, Mỹ có thể sẽ phủ quyết bất cứ hành động nào của HĐBA liên quan đến xung đột Israel-Palestine.
Trong một diễn biến khác, các nước khu vực Mỹ Latinh ngày 14/5 đã lên án hành động mà họ gọi là “sử dụng lực lượng không cân xứng” từ phía Israel để ngăn chặn các cuộc biểu tình ở Dải Gaza phản đối việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem, khiến hơn 60 người thiệt mạng.
Chính phủ các nước Chile, Ecuador và Uruguay đều cho rằng phản ứng quân sự của Israel tại Dải Gaza là không cân xứng, đồng thời ủng hộ giải pháp hai nhà nước độc lập là Palestine và Israel trong phạm vi biên giới an toàn và được quốc tế công nhận.