Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Guatemala Jimmy Morales trong cuộc gặp tại Jerusalem ngày 29/11. Ảnh: Times of Israel/ TTXVN |
Ngày 25/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh quyết định của Guatemala chuyển đại sứ quán tới Jerusalem, cho rằng các nước khác sẽ làm theo quyết định gây tranh cãi của Mỹ. Trong một tuyên bố, ông Netanyahu khẳng định các nước khác sẽ công nhận Jerusalem và thông báo việc chuyển đại sứ quán, đồng thời nhấn mạnh đây là bước khởi đầu "rất quan trọng".
Trong khi đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Palestine tuyên bố việc Guatemala quyết định chuyển đại sứ quán tới Jerusalem là hành động "bất hợp pháp và đáng xấu hổ". Tuyên bố của bộ trên nhấn mạnh hành động này đi ngược lại mong muốn của giới lãnh đạo nhà thờ ở Jerusalem cũng như nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) lên án quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Các phản ứng của Israel và Palestine được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Guatemala Jimmy Morales cho biết ông đã ra chỉ thị chuyển đại sứ quán của nước này tại Israel đến Jerusalem sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Netanyahu, vài ngày sau khi chính phủ của ông tuyên bố ủng hộ Mỹ trong cuộc tranh cãi về quy chế của thành phố này.
Trước đó, ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Trump đã ra tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đồng thời ra lệnh chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố tranh chấp này. Động thái trên của Washington đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ thế giới Arab và các đồng minh phương Tây. Các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước Hồi giáo. Mới đây nhất, ngày 21/12 vừa qua, với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng, ĐHĐ LHQ đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Israel chiếm đóng miền Đông Jerusalem trong chiến tranh năm 1967 và năm 1980 đơn phương tuyên bố toàn bộ thành phố là thủ đô của Israel, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.