Theo kế hoạch, bảo tàng sẽ được xây dựng trong khuôn viên Givat Ram của Đại học Hebrew tại Jerusalem, trong đó chính phủ sẽ đầu tư khoảng 6 triệu USD và trường sẽ huy động 12 triệu USD từ các nguồn tài trợ khác.
Đại học Hebrew cho biết bảo tàng sẽ sử dụng các kỹ thuật triển lãm tiên tiến, các minh chứng khoa học và tài liệu gốc để giới thiệu những đóng góp của Einstein cho nền khoa học thế giới, ảnh hưởng của những khám phá đó đối với cuộc sống của con người ngày nay, cũng như lý giải sâu hơn về những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Einstein.
Nhà vật lý học Einstein là một trong những người đồng sáng lập Đại học Hebrew. Sau khi qua đời ở tuổi 76 vào năm 1955, ông đã để lại nhiều tài liệu lưu trữ các nghiên cứu khoa học cho Đại học Hebrew. Với khoảng 85.000 các bản tài liệu khác nhau, đây cũng là bộ sưu tập những nghiên cứu của Einstein phong phú nhất trên thế giới.
Đại học Hebrew cho biết bảo tàng này sẽ là nơi lưu giữ toàn bộ những tài liệu nghiên cứu kể trên, đồng thời là không gian cởi mở và sáng tạo cho giáo dục khoa học và công nghệ phát triển.
Albert Einstein được coi là một trong những nhà vật lý học lý thuyết vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, đồng thời là "cha đẻ" của vật lý hiện đại. Thuyết tương đối được coi là thành tựu lớn nhất trong cuộc đời ông, mang tính bước ngoặt trong khoa học khi phát triển hướng tiếp cận mới đối với sự chuyển động của các vật thể trong không gian và thời gian.
Bên cạnh đó, ông cũng có những đóng góp lớn cho lý thuyết cơ học lượng tử, giúp ông vinh dự được trao giải Nobel Vật lý năm 1921. Ngoài những đóng góp cho khoa học cũng như nền văn minh nhân loại, bản thân Einstein cũng trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng với hình ảnh đặc trưng có mái tóc xù, phần râu và lông mày rậm.
Trong suốt cuộc đời, ông đã công bố hơn 300 bài báo khoa học cùng 150 đề tài ngoài khoa học. Những bài báo gốc do Einstein viết được bán đấu giá lên tới hàng triệu USD.