Tờ “Jerusalem Post” ngày 9/12 đưa tin các cơ quan an ninh Israel đã xây dựng một học thuyết phòng thủ mới trong bối cảnh các chính trị gia của nước này đang ngày càng quan ngại về sự phồn thịnh của Nhà nước Do Thái trong khu vực.
Tờ báo dẫn các nguồn quân sự cấp cao cho biết học thuyết 6 điểm được Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư lệnh Hậu phương và Bộ Tham mưu quân đội xây dựng nhằm đưa ra những phản ứng tốt hơn trước các mối đe dọa của những vụ bắn rocket và tên lửa trong thời chiến.
Hai công cụ đầu tiên của học thuyết này là răn đe và ngoại giao, được sử dụng để “xây dựng các đồng minh và đánh bại kẻ thù” mà không cần dùng tới sức mạnh quân sự. Trong trường hợp hai công cụ này thất bại, hai công cụ tiếp theo sẽ được triển khai là một cuộc tấn công phủ đầu mang tính quyết định đi đôi với việc kích hoạt các hệ thống phòng không đa dạng của Israel.
Công cụ thứ 5 là phòng thủ thụ động, như còi báo động tập kích đường không và các hầm tránh bom. Cuối cùng là quản lý người dân trong thời chiến.
Học thuyết trên được đưa ra vào thời điểm các quan chức Israel đang ngày một lo lắng về các kho rocket và tên lửa ngày một lớn của các nước láng giềng có thể được sử dụng để tấn công vào các trung tâm đô thị đông đúc trong một cuộc xung đột tương lai.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra các yêu cầu của nước này đối với một thỏa thuận cuối cùng giữa Iran và các cường quốc, trong đó yêu cầu Iran chấm dứt các hoạt động làm giàu, ngừng phát triển tên lửa đạn đạo và thay đổi chính sách của nước này đối với Nhà nước Do Thái.
Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết trong thông cáo được đưa ra ngay khi bắt đầu cuộc hội đàm với Tổng thống Guatemala Otto Perez Molina tại Jerusalem, ông Netanyahu nói: “Mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của Trung Đông là việc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân. Do đó, điều then chốt là thỏa thuận cuối cùng giữa Iran với Nhóm P5+1 phải ngăn chặn được vấn đề này. Điều này có nghĩa là không làm giàu (urani), không có các máy li tâm, không lò phản ứng nước nặng, không chương trình vũ khí (hạt nhân), không sở hữu tên lửa đạn đạo và Iran phải thay đổi chính sách của mình, theo đó không có sự diệt chủng chống lại Israel, không ủng hộ khủng bố, không phá hoại ngầm các thể chế tại Trung Đông”.
Phát biểu của ông Netanyahu là những nỗ lực mới nhất nhằm gây ảnh hưởng lên thỏa thuận cuối cùng mà Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) sẽ thảo luận sau khi đã đạt được một thỏa thuận tạm thời hồi tháng trước tại Geneva.
TN (theo THX)