Trung tâm nghiên cứu IVC của Israel cho biết các công ty công nghệ cao của nước này đã thu hút được số vốn đầu tư kỷ lục trong năm 2021, lên tới 25,6 tỷ USD, tăng 146% so với năm 2020. Trong số 773 thỏa thuận đầu tư có 77 thương vụ có giá trị vượt mức 100 triệu USD (so với 20 thương vụ trong năm 2020), đạt tổng cộng 14,1 tỷ USD, bao gồm 44 thỏa thuận thuộc lĩnh vực vực an ninh mạng và công nghệ tài chính. Năm qua cũng ghi nhận các vụ thoái vốn của các doanh nghiệp công nghệ Israel, thu về tổng cộng 22,2 tỷ USD, tương đương với giá trị các vụ sáp nhập và mua lại (M&A) và phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Israel vẫn được biết đến rộng rãi với khái niệm “quốc gia khởi nghiệp”, với tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập trên dân số cao nhất thế giới. Khởi nghiệp thành công và bán lại công ty cho nhà đầu tư nước ngoài giúp các chủ doanh nghiệp trở thành triệu phú. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm trước. Trong năm 2021 nhiều start-up đã chọn cách gọi vốn đầu tư để mở rộng doanh nghiệp hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài. Nhân viên nhận được quyền mua cổ phiếu ưu đãi, trong đó có những người chỉ cần nhượng lại quyền mua đã trở thành triệu phú xét về thị giá cổ phiếu.
Năm 2021 cũng là năm Israel bùng nổ với 33 công ty “kỳ lân”, tức có số vốn hóa thị trường từ 1 tỷ USD trở lên. Dịch COVID-19 đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp công nghệ. Không chỉ các nhân viên công nghệ thông tin, những người làm việc trong một loạt lĩnh vực khác cũng được hưởng lợi như marketing, kế toán, kinh doanh. Công ty quản lý tài sản IBI Capital ước tính có khoảng 35.000 lao động tại Israel đang sở hữu cổ phiếu trị giá tổng cộng 14 tỷ USD, tương đương 400.000 USD/người.
Tờ Globes dẫn lời Tal Dori, giám đốc IBI cho biết kể từ đầu năm 2020 công ty này đã hỗ trợ hiện thực hóa lợi nhuận cho trên 9.000 nhân viên công ty khởi nghiệp với số tiền trên 1 triệu NIS/người (khoảng 320.000 USD). IBI hiện quản lý khoảng 50% thị trường xét về qui mô vốn hóa, như vậy tính sơ sơ Israel đã có thêm 20.000 triệu phú mới. Trong khi đó, công ty quản lý tài sản ESOP cho biết đó mới chỉ là khởi đầu bởi còn rất nhiều người chưa chuyển quyền sở hữu cổ phiếu trong các doanh nghiệp thành tiền mặt, tổng cộng khoảng 30 tỷ USD.
Đơn cử, trong vụ công ty ironSource của Israel có trụ sở tại Tel Aviv được tập đoàn Thoma Bravo của Mỹ mua lại hồi tháng 6/2021 với giá 11 tỷ USD, được cho là đã tạo ra 230 triệu phú mới tại Israel. Tất nhiên, đây chỉ là giả định trong trường hợp các nhân viên của ironSource quy đổi các quyền lợi được hưởng trong công ty thành tiền mặt.
Sự gia tăng của lớp người giàu mới tại Israel có thể được cảm nhận rõ qua mặt bằng giá cả, đặc biệt là giá bất động sản, xe hơi hạng sang, dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống... Mới đây Tel Aviv đã được xếp hạng là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, ngoài lý do đồng nội tệ NIS lên giá mạnh so với đồng USD còn có lý do sự nổi lên của một nhóm người có thu nhập cao.
Sự xuất hiện của các triệu phú mới cùng với giá cả đắt đỏ càng làm sâu sắc thêm sự phân chia giàu nghèo trong xã hội Israel, trong đó những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm có thu nhập giảm hoặc không tăng. Trong năm qua, giá bất động sản ở Israel đã tăng 12% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Dori khẳng định: “Đó là một trong những nhân tố khiến giá bất động sản tăng, do có một lớp người sở hữu rất nhiều tiền”.
Theo tính toán của Viện Bảo hiểm Quốc gia Israel, trong năm 2020 mỗi hộ gia đình một nhân khẩu ở Israel cần có thu nhập 3.514 NIS (1.130 USD)/tháng thì mới được coi là thoát nghèo; trong khi một hộ gia đình 3 nhân khẩu thì cần có mức thu nhập tối thiểu tổng cộng 7.450 NIS/tháng.
Nếu tính theo tiêu chí này, tỷ lệ hộ nghèo tại Israel trong 2020 là 40,8% (tăng so với 36,7% của năm trước đó), trong khi tỷ lệ người nghèo cũng tăng từ 32,2% lên 36,3%. Trong tổng số dân khoảng 9,5 triệu người, hiện ở Israel vẫn còn tới 650.000 trẻ em và 976.000 người lớn không có đủ thu nhập để được đảm bảo đầy đủ nhu cầu thực phẩm hàng ngày.