Phát biểu với báo giới tại sân bay thành phố Beira hiện được sử dụng làm trung tâm điều phối cứu trợ nhân đạo, Bộ trưởng Correia cho biết nhà chức trách đang phối hợp với 120 chuyên gia và lực lượng cứu hộ để tìm cách liên lạc và giải cứu những người bị mắc kẹt. Ưu tiên hiện nay là tránh có thêm thiệt hại về người cũng như đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thuốc men và chỗ lánh nạn cho các nạn nhân.
Theo ông Correia, kể từ khi bão Idai gây lũ lụt hoành hành ở Mozambique, lực lượng chức năng đã giải cứu khoảng 3.000 người. Ông cũng xác nhận 217 người đã thiệt mạng do mưa bão.
Cùng ngày, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, tại nước láng giềng Zimbabwe, bão Idai đã gây ảnh hưởng tới 200.000 người, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực biên giới với Mozambique.
Con số được đưa ra trước đó là 15.000 người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thuộc LHQ cho biết số người bị ảnh hưởng đã gia tăng sau báo cáo đánh giá trong đêm 20/3. WFP nêu rõ tình hình ở khu vực Chimanimani, miền Đông nước này giáp giới Mozambique, hiện "rất tồi tệ", với hơn 90% khu vực này bị tàn phá nghiêm trọng.
Trong khi đó, truyền thông Zimbabwe đưa tin số người thiệt mạng do bão Idai đã tăng lên 139 người so với con số 100 người công bố trước đó.
Cũng theo WFP, ước tính 600.000 người ở Mozambique bị ảnh hưởng do mưa bão và lũ lụt, trong đó 400.000 người phải đi lánh nạn. Con số này sẽ còn gia tăng.
Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) cho biết các đơn vị quân đội Mỹ có thể tham gia vào các nỗ lực cứu hộ tại Mozambique. Hiện một máy bay quân sự của Mỹ đã có mặt tại thủ đô Maputo và Đại sứ quán Mỹ ở Mozambique cũng đã đề nghị chính phủ điều các đơn vị thuộc Lực lượng trợ giúp cứu hộ thảm họa (DART) tới quốc gia miền Nam châu Phi này.
Hồi tuần trước, cơn bão nhiệt đới Idai đã càn quét miền Trung Mozambique trước khi đổ bộ vào nước láng giềng Zimbabwe gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo WFP, khoảng 1,7 triệu người ở Mozambique đang cần cứu trợ khẩn cấp.