Người phát ngôn của tòa án thành phố Sfax, ông Mourad Turki, nêu rõ hiện vẫn còn 4-5 người bị mất tích nhưng ít có hy vọng được tìm thấy sống sót. Trước đó, ông Turki cho biết chiếc thuyền trên chở 29 người, gồm 2 người Tunisia và những người di cư đến từ khu vực miền Nam châu Phi. Có 7 người đã được cứu sống và lực lượng chức năng đã tìm thấy 17 thi thể nạn nhân. Trong số những người thiệt mạng có 3 trẻ em và 7 phụ nữ tuổi từ 20-30. Chiếc thuyền trên gặp nạn ngày 11/10 khi đang trên hành trình vượt Địa Trung Hải đến đảo Lampedusa của Italia.
Theo Bộ Nội vụ Tunisia, riêng trong đêm 10/10 và sáng 11/10, lực lượng chức năng nước này đã ngăn chặn 32 vụ đưa người di cư vượt Địa Trung Hải và bắt giữ 262 đối tượng liên quan. Kể từ đầu năm đến nay, hơn 8.500 người di cư đã bị bắt giữ trong hành trình từ Tunisia đến châu Âu.
Năm 2019, trên vùng biển Tunisia đã xảy ra một trong những vụ tai nạn thảm khốc nhất, trong đó khoảng 90 người di cư từ châu Phi đã thiệt mạng do bị lật thuyền trên hành trình từ Libya tới châu Âu. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong năm 2019 có hơn 100.000 người di cư đã tìm cách vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu. Hành trình nguy hiểm này đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng.
Trong năm nay, số người di cư từ Liban đến CH Cyprus trên những hành trình vượt biển đầy nguy hiểm cũng gia tăng.
Tổ chức từ thiện Save the Children cho biết, trong giai đoạn từ tháng 7-9 vừa qua, lực lượng chức năng Liban đã ngăn chặn 21 vụ vượt biên trái phép tới CH Cyprus, so với 17 vụ ghi nhận trong cả năm 2019. Đáng chú ý, trong tháng trước, 230 người di cư đi trên 5 chiếc thuyền đã phải quay trở về Liban sau khi bị phát hiện tìm cách vượt biển để đến Cyprus. Hầu hết các vụ vượt biên xuất phát từ khu vực bờ biển phía Bắc Liban.
Theo quân đội Liban và các tổ chức cứu trợ, trong những tuần gần đây, nhiều người đã bỏ mạng do đắm thuyền hoặc vấn đề sức khỏe trong những hành trình nguy hiểm này. Đa số người di cư là những người tị nạn trốn chạy xung đột ở quốc gia láng giềng Syria, nhưng gần đây số người di cư là người Liban cũng gia tăng.
Liban, hiện tiếp nhận gần 1,5 triệu người tị nạn Syria, đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và tình hình bất ổn chính trị trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành.