Báo Le Figaro ngày 12/9 dẫn lời Chủ tịch Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp (ASN) Bernard Doroszczuk cho biết "ít nhất 5 lò phản ứng hạt nhân có lỗi này". Ông cho biết EDF đã thông báo trong vòng 1 tuần sẽ công bố chính thức số cơ sở bị ảnh hưởng".
Trong khi đó, người phát ngôn EDF cho biết hiện không có kế hoạch đóng cửa các lò phản ứng trên, song tình hình có thể thay đổi và điều này phụ thuộc vào quyết định của ASN. Theo người phát ngôn này EDF cũng có thể quyết định tạm dừng hoạt động đối với các lò phản ứng bị ảnh hưởng. Hiện EDF đang tiến hành điều tra kỹ lưỡng đối với từng bộ phận của các lò phản ứng có thể bị lỗi kỹ thuật trên để đưa ra biện pháp khắc phục.
Trước đó hai ngày, EDF cho biết đã xác định được vấn đề về mối hàn của một số lò phản ứng hạt nhân. Vụ việc khiến cổ phiếu của công ty giảm tới gần 7%. Việc đóng cửa lò phản ứng, nếu xảy ra trước mùa Đông khi lượng tiêu thụ điện tăng, có thể ảnh hưởng tới việc sản xuất điện không chỉ tại Pháp, vốn phụ thuộc nhiều vào điện hạt nhân, mà còn cả các nước châu Âu nhập khẩu điện từ Pháp.
Pháp sở hữu hệ thống lò phản ứng hạt nhân lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, song một loạt vấn đề kỹ thuật cùng với một số trục trặc tại các lò phản ứng đang thi công đã ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh của EDF với vai trò là doanh nghiệp đi đầu trong công nghệ hạt nhân. EDF đã xuất khẩu điện hạt nhân sang Trung Quốc, Phần Lan, Nam Phi và Hàn Quốc, trong khi Anh cũng dự kiến sẽ sử dụng trang thiết bị của công ty này.