Italia: Trong thế giới của bar cà phê

Hình như với người Ý (Italy), trước khi Facebook hay Twitter tồn tại và lan tràn rộng rãi trong đời sống của họ, thì một mạng xã hội thực (chỉ có điều không mang tên “mạng xã hội”) đã ăn sâu bén rễ trong lòng họ từ lâu: các quán cà phê.


Phải đứng trong một quầy bar, giữa những người Ý nói nhanh như máy, hoặc ngồi ngắm trời đất trong một quán cà phê ở giữa một quảng trường đông người lại qua và chim bồ câu bay lượn trên đầu, mới hiểu được cái triết lí “mạng xã hội” của người Ý là gì. Không phải là màn hình, bàn phím, các thao tác chat giữa người với người có khi cách nhau cả nghìn cây số là gì, mà là xương, thịt và chất cafeine.

 

Cà phê đã trở thành một phần cuộc sống người Ý.


Những cốc cappucino, espresso, macchiato, những chiếc bánh sừng bò đi kèm, hoặc đơn giản chỉ là những cốc đồ uống có hương vị cà phê ấy, và những câu chuyện mà họ nói với nhau là một phần của cuộc sống người Ý. Còn hơn thế nữa, đấy là một góc văn hóa sống đậm chất Italia, những người dường như không thể sống được mỗi ngày mà không có vị cà phê trong miệng và không tán gẫu với bạn bè hoặc đồng nghiệp. Các bar cà phê trở thành điểm gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện, hẹn hò và cũng có thể là nơi ăn sáng hay ăn trưa của họ.


Tôi đã ở đây đủ lâu để hiểu được cách sống ấy, và tự dưng một lúc thấy mình bị nhiễm thói quen la cà và cappuccino ở không gian này lúc nào không biết. 15-20 phút một ngày cùng với các bạn Ý nói chuyện về bóng đá rồi sau đó về làm việc. Có lúc lâu hơn. Nhưng không thể thiếu được cảm giác vui vẻ khi nhìn thấy những cô bán cà phê rắc chocolate hình trái tim trên mặt bọt sữa và nghe tiếng “Ciao” (Xin chào) rộn rã từ cửa của những cái quán xem ra có vẻ nhỏ, nhưng chẳng thiếu thứ gì. Có cà phê, dĩ nhiên rồi, có cả máy chơi xèng, có bán cả báo lẫn xổ số, có cả những không gian riêng để thể hiện tình yêu với bóng đá, như quán bar của một ông già Napoli ở gần cơ quan thường trú của TTXVN ở Rome, là một thế giới về Napoli và Maradona những năm trên đỉnh vinh quang. Vị cà phê thơm trong miệng rõ lâu. Chất cà phê làm cho mình tỉnh táo, đặc biệt là trong những ngày làm việc vất vả hoặc đi đâu xa trên đường cao tốc. Một ngày không cappucino hay espresso tự dưng thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Thiếu ở đây không phải là cà phê, mà là một không gian đúng kiểu Ý.

 

Tác giả trong một quán cà phê ở Rome.


Sự “hâm mộ” của người Ý với các bar cà phê có thể được thể hiện bằng các con số. Một nghiên cứu mới được công bố ở Milano cho thấy, mỗi năm, người Italia tiêu trung bình 1.200 euro cho việc ăn uống nhẹ trong các bar cà phê, nhiều hơn 32% so với người Pháp và 53% so với người Đức. Nghiên cứu này làm ngạc nhiên không ít người. Bởi khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Italia còn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, tỉ lệ người thất nghiệp, đặc biệt là trong thanh niên ở tuổi đi làm, vẫn ở mức cao, buộc người ta phải thắt lưng buộc bụng trong các chi tiêu cá nhân, thì người Ý vẫn không hề mất đi thói quen sử dụng các quán bar cà phê như một nơi tụ tập với bạn bè và người thân, vì đủ mọi lí do của nó: từ chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện chính trị, chuyện học hành cho con, cho đến những giây phút “chém gió” về bóng đá. Không gian này hiện vẫn có thể cạnh tranh được với Facebook và Twitter, vốn có 24 triệu người Italia sử dụng, trong đó có 17 triệu người dùng hàng ngày.


Thống kê của Hiệp hội những người phục vụ (Fipe) cho biết, có đến 18 triệu người Ý chọn các bar cà phê để ăn sáng, ăn trưa, hoặc đơn giản là uống cà phê, với tổng chi phí lên đến 73 tỉ euro. Năm 2012, người Ý chi 35% số tiền liên quan đến ăn uống ở các quán bar, so với tỉ lệ bình quân là 32% của các nước EU. Tỷ lệ người Ý, nhất là cánh đàn ông ra các quán bar còn cao hơn nữa vào các ngày cuối tuần, khi họ đổ ra đấy để xem bóng đá trên các tivi màn hình lớn. Các bar, theo một nghĩa nào đó, đã dần thay thế cả các sân vận động, khi người Ý bây giờ ngại đến các sân bóng hơn, vì giá vé đắt lên và vì nguy cơ bạo lực, trong khi không phải ai cũng sẵn sàng chi tiền để lắp đặt các hệ thống truyền hình trả tiền có các kênh bóng đá ở nhà. Và thế là họ đến các quán cà phê, hò hét như điên sau mỗi cơ hội hoặc các bàn thắng, qua đó xả luôn những căng thẳng và bức bối sau một tuần làm việc dài, vất vả và tương lai không có màu hồng.


Dù số lượng người đến các bar đã giảm đi một chút theo báo cáo này của Fipe và có một số viên chức chọn cách ăn ngay ở nhiệm sở, thì doanh số từ các quán bar cà phê vẫn rất hấp dẫn. Đấy là lí do tại sao người Hoa nhảy vào lĩnh vực này nhiều đến thế. Ở Milano, trung bình cứ 3 quán bar thì 1 do Hoa kiều quản lí. Ở Rome, tỉ lệ này thấp hơn. Nhưng xu thế là họ nhảy vào mua lại những bar cà phê không làm ăn được, và với sự cần cù, chăm chỉ và óc sáng tạo, họ làm những quán bar ấy sống lại. Ngay ở gần chỗ chúng tôi ở cũng có nhiều quán bar. Chỉ vài năm quay đi quay lại là đã thấy đổi chủ. Và những người đứng sau quầy không phải những anh chàng láu lỉnh mắt xanh và nói nhanh như máy, mà là những người da vàng có mắt một mí. Nhưng họ vẫn cố gắng giữ lại những nét Ý cho các bar.


Tôi hay ngồi ở quán Greco tại trung tâm thành phố. Thành lập năm 1760, đấy là quán lâu đời nhất của Rome còn tồn tại đến bây giờ. Quán không lớn và nằm trên Condotti, con phố hàng hiệu nổi tiếng thuộc loại hàng đầu thế giới, nhưng luôn đông khách. Hầu hết khách du lịch đã qua khu này đều bước vào đây, uống một cốc cappuccino, ngắm những người đứng bar thoăn thoắt pha cà phê trong khi miệng vẫn nở những nụ cười. Một góc Rome của tôi đã ở đó và luôn ở đó, theo tháng năm…


Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Rome)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN