Trong một tuyên bố, Văn phòng Ủy viên đặc biệt của chính phủ Italy nêu rõ: "Văn phòng Tổng công tố nhà nước đã gửi thông báo chính thức tới hãng Pfizer, yêu cầu tuân thủ nghĩa vụ trong hợp đồng liên quan tới việc chậm cung ứng vaccine phòng COVID-19". Tuyên bố cho biết ủy ban này trong những giờ tới sẽ quyết định cần áp dụng những biện pháp đối phó nào.
Trước đó, ngày 23/1, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng việc chậm chễ cung ứng vaccine vi phạm nghiêm trọng hợp đồng và gây thiệt hại cho Italy và các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu. Ông cho biết Chính phủ Italy sẽ sử dụng tất cả các công cụ pháp lý có thể để làm việc với các hãng dược này.
Theo các nguồn tin thân cận với vấn đề này ở Italy, nếu Pfizer không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, hãng này có thể bị cáo buộc vi phạm hợp đồng ký với EU, đại diện của các nước thành viên. Pfizer sẽ có thời gian tối đa là một tuần để phản hồi về vấn đề này.
Hôm 15/1, hãng Pfizer thông báo tiến độ chuyển giao vaccine tới các nước thành viên EU sẽ chậm lại do thay đổi trong khâu sản xuất nhằm tăng sản lượng vaccine. Hãng dược AstraZeneca cũng thông báo với EU rằng sẽ giảm 60% lượng vaccine cung cấp cho khối này do gặp vấn đề về sản xuất.
Việc các hãng dược cung ứng chậm vaccine khiến Italy phải cắt giảm 2/3 số liều tiêm vaccine mỗi ngày. Theo số liệu của nhà chức trách Italy, số liều vaccine COVID-19 sử dụng mỗi ngày tại Italy đã giảm còn khoảng từ 20.000 đến 25.000 liều/ngày so với mức đỉnh điểm hơn 90.000 liều tiêm trong 2 tuần qua.
Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết việc cung ứng chậm vaccine của hãng Pfizer đã làm chậm tiến độ phòng chống dịch COVID-19 của nước này.
Phát biểu trên tờ The Financial Times số ra ngày 25/1, ông Duda cho biết việc hãng Pfizer giảm nguồn cung đã gây ra vấn đề cho toàn bộ những nước đã ký hợp đồng mua vaccine của hãng này, đặc biệt là về tài chính. Ông ước tính chi phí cho nỗ lực phòng chống dịch ở nước này lên tới ít nhất 1 tỷ zloty (khoảng 267,4 triệu USD)/ngày.
Trước đó, ngày 22/1, người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho biết nước này sẽ cân nhắc tới các biện pháp pháp lý nếu Pfizer không giao số lượng vaccine đúng như hợp đồng.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang nỗ lực kiềm chế dịch COVID-19 lây lan, công tác tiêm phòng đang diễn ra ở một số nước sử dụng những vaccine đã được phê chuẩn. Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 237 ứng cử viên vaccine khác vẫn đang được phát triển trên toàn thế giới, trong đó có 64 vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở các nước như Đức, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết nước này đã nhất trí mua 24 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga. Nhà lãnh đạo Mexico thông báo như trên sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mexico đã bắt đầu chương trình tiêm phòng COVID-19 vào ngày 24/12/2020 sử dụng vaccine của hãng Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn cung hạn chế, Mexico cũng cấp phép sử dụng đối với vaccine của hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) sản xuất, và ký một thỏa thuận hợp tác với Argentina cùng sản xuất vaccine này. Trong khi đó, vaccine Sputnik V chưa được cơ quan quản lý dược phẩm Mexico phê duyệt sử dụng.