Phát biểu tại thủ đô Rome, đề cập đến triển vọng tăng trưởng tại Italy và các nước châu Âu khác, bao gồm cả Đức, Bộ trưởng Giorgetti nói: “Vấn đề thực sự là chúng ta sẽ phải trả giá không hề nhỏ về tiềm năng tăng trưởng do cuộc chiến chống lạm phát này. Các chính sách tài khóa và tiền tệ phải cân bằng giữa các biện pháp can thiệp, nếu không triển vọng tăng trưởng sẽ bị trì hoãn”.
Ngày 15/6, ECB đã quyết định nâng lãi suất lần thứ tám liên tiếp, nâng chi phí vay của khu vực đồng euro lên 2,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua, đồng thời phát đi tín hiệu rằng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Thông báo của ECB nêu rõ: “Các quyết định trong tương lai của Hội đồng điều hành sẽ đảm bảo rằng lãi suất chỉ đạo của ECB được tăng đến mức đủ để kiềm chế lạm phát trung hạn về đúng mục tiêu 2%”.
Với “triển vọng chung tại Liên minh châu Âu (EU) không thuận lợi”, Bộ trưởng Giorgetti nhắc lại lời kêu gọi của Italy về sự cần thiết phải linh hoạt hơn đối với cách thức xem xét các khoản đầu tư theo các quy tắc ngân sách mới được soạn thảo cho cả khối. Vào tháng 4/2023, EU đã đề xuất rằng chính phủ các nước nên đảm bảo nợ công giảm theo mức đã được thương thuyết riêng trong vòng bốn năm và duy trì xu hướng giảm trong 10 năm sau đó.
Italy đang phải vật lộn để đáp ứng các “mục tiêu và cột mốc” đã thỏa thuận với EU để đổi lấy việc được giải ngân các quỹ hậu COVID-19, làm dấy lên nhưng lo ngại về việc liệu nước này có thể nhận được tất cả 191,5 tỷ euro (khoảng 209 tỷ USD) cho đến năm 2026 như kỳ vọng hay không.
Mức lạm phát 6,1% hiện nay tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã thấp hơn nhiều so với mức hai chữ số vào thời điểm mùa Thu năm ngoái, song vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2%. Dự báo từ nay tới cuối năm, việc kinh tế suy giảm sẽ giúp kìm hãm tốc độ tăng giá. Tuy nhiên, thị trường lao động hiện vẫn đang siết chặt, mức tăng trưởng lương cơ bản nhanh, và sức ép giá cả, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn rất cao.