Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Tajani cho rằng việc phá vỡ vòng xoáy bạo lực là hoàn toàn khả thi. Theo ông Tajani, nếu phong trào Hezbollah tôn trọng Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), vốn giúp chấm dứt xung đột Israel-Hezbollah tại miền Nam Liban vào năm 2006, thì nguy cơ Israel tấn công có thể được ngăn chặn. Mặc dù cho rằng việc sơ tán khoảng 3.000 người Italy đang sống ở Liban sẽ chỉ cần thiết nếu khủng hoảng xấu đi, song trong tình hình hiện nay, ông khuyến cáo công dân Italy nên rời khỏi Liban. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Italy đối với hòa bình, ổn định khu vực, bao gồm sự đóng góp của Italy trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Liban (UNIFIL). Ông kêu gọi các bên đảm bảo việc bảo vệ UNIFIL, trong đó hiện có khoảng 1.000 binh sĩ Italy. Nhà ngoại giao hàng đầu của Italy tin rằng việc tiếp tục và mở rộng xung đột không phải là mong muốn của bên nào, tái khẳng định sự ủng hộ của Italy đối với bất kỳ sáng kiến hòa giải nào nhằm thúc đẩy đối thoại.
Cùng ngày, Chính phủ Đức kêu gọi tất cả các bên liên quan trong xung đột tại Trung Đông ngăn căng thẳng leo thang, sau vụ tấn công bằng tên lửa vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã có cuộc thảo luận với một số nhân vật, trong đó có người đồng cấp Liban nhằm ngăn tình hình leo thang. Người phát ngôn nêu rõ Đức rất quan ngại về tình hình thực địa, đồng thời khuyến cáo công dân Đức tại Liban rời nước này khi còn có thể. Ước tính khoảng 1.300 công dân Đức đang sinh sống tại Liban.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit bày tỏ quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự giữa Israel và phong trào Hezbollah lan rộng.
Trong tuyên bố, Tổng Thư ký Aboul-Gheit cảnh báo xung đột hiện nay có thể đẩy toàn bộ Trung Đông vào chiến tranh. Ông khẳng định đoàn kết với Liban, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ hành động leo thang nào cũng có thể đe dọa tới an ninh và ổn định của toàn khu vực. Ông dự kiến sẽ có cuộc thảo luận với các đối tác quốc tế để hạ nhiệt tình hình, tránh nguy cơ đối đầu lan rộng.
Trước đó, AL đã nhiều lần kêu gọi điều tra vụ tấn công vào Cao nguyên Golan, cũng như cảnh báo hệ quả của việc Israel kéo dài xung đột tại Gaza, nguy cơ của việc mở rộng xung đột và kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở miền Nam Liban đã gia tăng kể từ khi xung đột tại Gaza nổ ra vào ngày 7/10/2023. Đến ngày 27/7, tình hình trong khu vực diễn biến khó lường sau khi xảy ra cuộc tấn công bằng tên lửa vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, khiến 12 thanh thiếu niên và trẻ em thiệt mạng. Nội các an ninh của Israel đã ủy quyền cho chính phủ đáp trả cuộc tấn công mà nước này cho rằng do lực lượng Hezbollah thực hiện. Về phần mình, Hezbollah khẳng định không liên quan vụ tấn công.
Trong ngày 29/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới thăm Majdal Shams - nơi xảy ra cuộc tấn công bằng tên lửa vào Cao nguyên Golan. Trong tuyên bố do Văn phòng Thủ tướng Netanyahu đưa ra sau đó, nhà lãnh đạo Israel khẳng định nước này sẽ có đáp trả mạnh mẽ.
Trong bối cảnh nguy cơ an ninh gia tăng, hãng hàng không Air France và công ty con Transavia France thông báo sẽ tạm dừng các chuyến bay giữa Paris (Pháp) và Beirut (Liban) trong 2 ngày 29-30/7. Tương tự, hãng hàng không Royal Jordanian của Jordan cũng tạm ngừng các chuyến bay đến Beirut trong 2 ngày này. Một số hãng hàng không khác cũng đã phải hủy hoặc điều chỉnh các chuyến bay sau vụ tấn công vào Cao nguyên Golan.