Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp Nội các ngày 28/3, Bộ trưởng Nông nghiệp Italy Francesco Lollobrigida cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, các sản phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không đảm bảo chất lượng, sức khỏe. Trong khi đó, chúng ta cũng cần bảo vệ văn hóa, truyền thống của mình”.
Nếu dự luật được Quốc hội thông qua, ngành công nghiệp Italy sẽ không được phép sản xuất thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi từ công nghệ nuôi cấy tế bào hoặc mô có nguồn gốc từ động vật có xương sống. Việc vi phạm các quy định có thể bị phạt tới 60.000 euro. Các nhà máy xảy ra vi phạm có thể phải đóng cửa và các nhà sản xuất có thể mất quyền được trợ cấp từ chính phủ trong tối đa 3 năm.
Chính quyền của Thủ tướng Giorgia Meloni đã cam kết bảo vệ thực phẩm của Italy trước những đổi mới công nghệ được coi là độc hại và đổi tên Bộ Nông nghiệp thành "Bộ Nông nghiệp và Chủ quyền Lương thực".
Nhà vận động hành lang Coldiretti đã ca ngợi động thái chống thực phẩm nhân tạo của chính phủ, nói rằng lệnh cấm là cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước trước các cuộc tấn công của các công ty đa quốc gia.
Tuy nhiên, sáng kiến này đã khiến các tổ chức hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp dựa trên tế bào cũng như các nhóm bảo vệ quyền động vật trên khắp châu Âu nổi giận.
Alice Ravenscroft, người đứng đầu chính sách tại Viện Thực phẩm Tốt châu Âu, lý giải: “Việc thông qua luật như vậy sẽ đóng chặt cánh cửa tiềm năng kinh tế của lĩnh vực non trẻ này ở Italy, kìm hãm tiến bộ khoa học và nỗ lực giảm thiểu khí hậu”.
Trong khi đó, Mạng lưới các công ty thực phẩm Cellular Agriculture Europe cho biết Italy đang hạn chế các lựa chọn cho những người tiêu dùng quan tâm đến phúc lợi động vật và tác động môi trường từ các lựa chọn thực phẩm của chính mình.
Nhóm chống giải phẫu sinh vật LAV cho rằng dự luật phản khoa học và chống lại sự tiến bộ. LAV chỉ ra được sản xuất từ tế bào của động vật sống, thịt phòng thí nghiệm là một giải pháp thay thế tốt cho chăn nuôi và giết mổ tập trung.
Lệnh cấm thịt nhân tạo không phải là sáng kiến duy nhất của Thủ tướng Meloni nhằm ngăn chặn thực phẩm phi truyền thống phát triển tại Italy.
Tuần trước, nữ lãnh đạo cho biết chính phủ đang chuẩn bị gấp rút ban hành các nghị định để dán nhãn thông tin trên các sản phẩm có chứa hoặc có nguồn gốc từ côn trùng trong bối cảnh xuất hiện tranh cãi về việc sử dụng bột dế.