Được coi là quốc gia tâm dịch tại châu Âu, Italy hiện ghi nhận gần 22.800 ca tử vong vì dịch bệnh, chỉ đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Italy vẫn có chút may mắn khi dịch bùng phát chủ yếu ở những tỉnh giàu có phía Bắc, nơi có hệ thống y tế vững chắc hơn nhiều so với vùng phía Nam.
Sáu tuần trước, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cảnh báo nước này có thể chiến thắng dịch bệnh được hay không phụ thuộc vào hiệu quả công tác kiềm chế tại vùng tâm dịch ở phía Bắc. Ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến mạnh dần, Thủ tướng Conte đã sớm quyết định áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, lần đầu tiên được triển khai tại một quốc gia phương Tây trong thời bình.
Sự quyết đoán được cho là đang mang lại kết quả xứng đáng. Phát biểu với báo giới ngày 17/4, Chủ tịch Hội đồng Y tế cộng đồng Italy Franco Locatelli khẳng định các số liệu thống kê chỉ ra các biện pháp của chính phủ đã giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra các khu vực phía Nam. Số ca bệnh hồi phục cũng đã đạt mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Hội đồng này cũng đã điều chỉnh lịch họp báo cập nhật tình hình dịch bệnh từ hằng ngày thành hai lần/tuần. Số liệu ca nhiễm và tử vong vẫn được cập nhật hằng ngày. Chính quyền của Thủ tướng Conte cho rằng đánh đổi những tác động kinh tế ngắn hạn lấy sự an toàn của cả hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia và cho phép nước này có thể dần nới lỏng các biện pháp hạn chế trong vài tuần tới là việc nên làm.
Hiện Chính phủ Italy đang xem xét khả năng nới lỏng dần các biện pháp hạn chế, công bố các kế hoạch triển khai một ứng dụng trên điện thoại di động giúp theo dấu tiếp xúc với người bệnh để ngăn chặn dịch lây lan rộng. Việc nối lại hoạt động kinh doanh ở mức nào sẽ tùy thuộc vào số ca tử vong và hồi phục được công bố trong những ngày tới.
Hiện giới chức y tế Italy vẫn đang nghiên cứu các số liệu dịch bệnh tại từng khu vực để đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại quốc gia này kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới hai.