Người di cư được đưa tới một căn cứ hải quân ở Tripoli sau khi được giải cứu ngoài khơi Libya ngày 18/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo truyền thông Italy, trong thông điệp gửi đi, Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho hay: "Kể từ giờ, theo Công ước Solas, hay còn gọi là Công ước an toàn sinh mạng trên biển, thuyền trưởng của tàu ở khu vực đối diện với Libya sẽ phải nhờ Trung tâm Tripoli và Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya trợ giúp nếu tàu này gặp nguy hiểm".
Tuyên bố trên đã cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy, một đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối các sứ mệnh cứu giúp người di cư gặp nạn tại các khu vực nằm ngoài phạm vi tìm kiếm và cứu hộ của nước này trên biển Địa Trung Hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Italy Elisabetta Trenta cũng nhấn mạnh lập trường cứng rắn của Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này không đông nghĩa với việc Rome né tránh các cam kết quốc tế trong vấn đề người di cư. Bà đồng thời nhấn mạnh lực lượng này cùng Hải quân Italy vẫn sẵn sàng giúp đỡ người di cư trong trường hợp khó khăn.
Bà Trenta lý giải rằng khu vực mà lực lượng bảo vệ bờ biển nước này nhắc đến trong thông báo là khu vực được phân định trên biển gần với Libya và được gọi là Khu vực Cứu trợ và Tìm kiếm (SAR). Theo Bộ trưởng Quốc phòng Trenta, Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya phụ trách khu vực này và hoàn toàn đủ khả năng để tiến hành các hoạt động cứu trợ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính phủ mới tại Italy theo đường lối dân túy không hộ tiếp nhận người nhập cư và đã có những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn người di cư tới quốc gia này. Quan điểm cứng rắn này đã gây rạn nứt trong nội bộ các nước Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề người di cư.