Bộ Quốc phòng Italy tuyên bố đã cử tàu khu trục hải quân Virginio Fasan tới Biển Đỏ để bảo vệ lợi ích quốc gia và nhằm đáp ứng yêu cầu của các chủ tàu Italy. Bộ nêu rõ đây là một phần trong các hoạt động hiện có và không phải là trong khuôn khổ liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu trên tuyến đường thủy này.
Bộ Quốc phòng Pháp cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đỏ và khu vực xung quanh. Cơ quan này nhấn mạnh các tàu của họ sẽ nằm dưới sự chỉ huy của Pháp, song không tiết lộ có triển khai thêm lực lượng hải quân hay không.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết sẽ chỉ tham gia vào các nhiệm vụ do NATO lãnh đạo hoặc các hoạt động do EU điều phối, chứ không đơn phương tham gia vào hoạt động ở Biển Đỏ.
Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này. Lực lượng Houthi ở Yemen đã thừa nhận tiến hành một số vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel, cũng như các tàu thương mại hướng đến nước này đi qua Biển Đỏ, kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát vào ngày 7/10. Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi Israel ngừng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza và cho phép phân phối hàng cứu trợ tới dân thường Palestine tại vùng lãnh thổ này.
Các cuộc tấn công đã làm gián đoạn tuyến vận tải thương mại quan trọng và khiến cước phí vận tải biển tăng mạnh khi các công ty phải tìm kiếm tuyến đường thay thế, thường dài hơn và mất nhiều ngày di chuyển gây tốn kém nhiên liệu, để tránh rủi ro. Nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải hàng hóa trên Biển Đỏ, Mỹ đã thành lập liên minh an ninh và phát động chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng". Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, những nước tham gia liên minh gồm Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles, Tây Ban Nha, Anh, Hy Lạp, Australia và một số quốc gia khác.