Ngày 15/10, cảnh sát Italy được lệnh triển khai, một số trường học cho nghỉ học sớm và các đại sứ quán đưa ra cảnh báo nguy cơ biểu tình phản đối Thẻ Xanh (chứng nhận tiêm chủng hoặc có miễn dịch với COVID-19) có thể trở thành bạo lực.
Nhưng đến cuối ngày, các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra trong hòa bình, bao gồm cả sự kiện tại Rạp xiếc Maximus - trung tâm của Rome, nơi một số người biểu tình tặng hoa cho lực lượng cảnh sát để tỏ dấu hiệu ôn hoà.
“Chúng tôi không ở đây để gây bạo lực hay bất cứ điều gì tương tự, chúng tôi ở đây vì họ đang tước đi quyền của chúng tôi, chúng tôi thậm chí không thể đi làm được nữa”, một người biểu tình tên Elena Campisi phàn nàn.
“Thẻ Xanh” (Green Pass) là bằng chứng công nhận đã tiêm chủng, xét nghiệm âm tính gần đây, hoặc đã phục hồi sau COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Italy đã yêu cầu người dân phải xuất trình Thẻ Xanh khi tiếp cận tất cả các môi trường trong nhà, bao gồm nhà hàng, bảo tàng, nhà hát, tàu hoả… Tuy nhiên, việc bổ sung yêu cầu trình Thẻ Xanh mới được làm việc đã làm dấy lên cuộc tranh luận và phản đối gay gắt ở quốc gia từng là tâm chấn ban đầu của đại dịch COVID-19, và đã tiếp tục duy trì yêu cầu đeo khẩu trang cũng như thúc đẩy tỉ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất ở châu Âu.
Loris Mazzarato, một người biểu tình chống vaccine, tuyên bố: “Hôm nay họ đang dẫm lên Hiến pháp của chúng ta. Tôi nói không với sự phân biệt đối xử này."
Mazzarato nằm trong số hàng trăm người biểu tình ở Trieste, nơi làn sóng phản đối của công nhân cảng đang đe dọa ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại.
Quy định mới tại Italy, quốc gia áp đặt lệnh đóng cửa đầu tiên ở phương Tây, được cho là đặt ra một sức ép với người lao động và sử dụng lao động. Máy quét điện tử có thể đọc mã QR với Green Pass đã được thiết lập ở những khu vực làm việc lớn, chẳng hạn như văn phòng của Thủ tướng Ý Mario Draghi hay trụ sở công ty đường sắt nhà nước Trenitalia.
Còn tại những nơi làm việc nhỏ hơn, từ nhà hàng đến câu lạc bộ quần vợt, người sử dụng lao động phải tải xuống một ứng dụng có thể quét mã. Mặc dù không rõ Italy sẽ thực thi yêu cầu nghiêm ngặt như thế nào, nhưng nỗi sợ hãi về việc bị kiểm tra tại chỗ đã khiến các nhà tuyển dụng phải tuân thủ quy định.
Các hình thức xử phạt đối với người sử dụng lao động không kiểm tra Thẻ Xanh của nhân viên là từ 400 đến 1.000 euro. Một người lao động không xuất trình Thẻ Xanh tại nơi làm việc được coi là vắng mặt mà không có lý do chính đáng; nếu xuất hiện mà không có Thẻ Xanh hợp lệ, họ có thể bị phạt từ 600 euro - 1.500 euro.
Mục tiêu của yêu cầu nghiêm ngặt nói trên là khuyến khích tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nữa tại Italy, hiện đã vượt 81% dân số trên 12 tuổi tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Và những ngày cuối tuần này, số lượng mũi tiêm đã tăng vọt tới 34% so với đầu tuần.
Nhưng đối với những người không thể hoặc không muốn tiêm vaccine, yêu cầu Thẻ Xanh buộc họ phải xét nghiệm 48 giờ một lần để có thể đi làm. Những người có tình trạng sức khỏe đã được chứng minh là không thể tiêm vaccine được miễn trừ khỏi quy định này.
Để hỗ trợ người lao động, một số nhà tuyển dụng đang cung cấp các xét nghiệm miễn phí tại nơi làm việc. Hiện tại, các xét nghiệm nhanh có giá từ 8 euro cho trẻ em đến 15 euro cho người lớn.
Năng lực xét nghiệm từng là “gót chân Achilles” của Italy trong làn sóng dịch đầu tiên. Thống đốc vùng Veneto, Luca Zaia, đã cảnh báo rằng nước này sẽ không thể đáp ứng kịp nhu cầu xét nghiệm mới. Ông đã kêu gọi chính phủ cho phép mọi người trình kết quả từ bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà thay vì phải đến hiệu thuốc để làm xét nghiệm nhanh.
Trong khi đó, những người ủng hộ quy định của chính phủ thì nói rằng yêu cầu nghiêm ngặt về Thẻ Xanh là cần thiết để bảo đảm an toàn ở nơi làm việc và cho phép nền kinh tế của Italy, vốn đã giảm 8,9% vào năm ngoái, phục hồi hơn nữa.
Cần hiểu rõ hơn là quy định mới không phải là bắt buộc tiêm vaccine hoàn toàn, vì Thẻ Xanh còn chấp nhận xét nghiệm âm tính hoặc bằng chứng đã khỏi bệnh COVID-19. Ở Italy, chỉ những nhân viên chăm sóc sức khỏe mới được yêu cầu bắt buộc tiêm chủng, trong khi giáo viên và quản lý trường học phải có “Thẻ xanh” để làm việc kể từ ngày 1/9.
Tuy nhiên, yêu cầu về Thẻ Xanh lao động của Italy đã chặt hơn tất cả các quốc gia châu Âu khác. Pháp đã áp dụng “Thẻ virus” kể từ mùa Hè để được tiếp cận các hoạt động trong nhà, nhưng không bắt buộc tất cả người lao động phải có để làm việc. Chỉ những người tương tác với công chúng, và một số nhóm cụ thể như nhân viên y tế, chăm sóc người già, nhà tâm lý học, lính cứu hoả… mới phải tiêm phòng bắt buộc.
Ở Hy Lạp, người sử dụng lao động phải duy trì hồ sơ về tình trạng tiêm chủng của nhân viên tại nơi làm việc. Người lao động phải mang theo giấy chứng nhận tiêm chủng có thể được quét bằng ứng dụng của chính phủ hoặc trả tiền để xét nghiệm hàng tuần.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden vào tháng 9 đã áp đặt các quy tắc sâu rộng bắt buộc tất cả các chủ sử dụng lao động với hơn 100 công nhân phải yêu cầu họ tiêm phòng hoặc xét nghiệm hàng tuần – một quy định ảnh hưởng đến khoảng 80 triệu người Mỹ.