Đây là khoản hỗ trợ mới nhất bên cạnh kế hoạch cứu trợ kinh tế trọn gói trị giá 5 tỷ euro được chính phủ thông qua hôm 27/10 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có chiều hướng bùng phát mạnh ở đất nước “hình chiếc ủng”. Ngày 7/10, Italy đã ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức kỷ lục từ trước đến nay, với 39.811 ca cùng với 425 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 90.490 ca và tổng số ca tử vong lên 41.063 ca.
Báo chí địa phương đưa tin chính phủ sẽ dùng khoản 25 tỷ nói trên để hỗ trợ các hoạt động kinh tế ở những vùng bị phong tỏa do dịch COVID-19, chẳng hạn như hỗ trợ cho các cửa hàng, cửa hiệu ở trung tâm các thành phố bị đóng cửa vào cuối tuần theo quy định của chính phủ, hỗ trợ tiền thuế VAT, thuế thu nhập cho người dân. Các hộ gia đình ở những vùng bị phong tỏa cũng được hỗ trợ mỗi gia đình 1.000 euro để giúp chi trả tiền trông trẻ.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Corriere della Sera, Thủ tướng Italy Giusseppe Conte cho biết chính phủ quyết định bổ sung khoản cứu trợ mới do những khoản cứu trợ trước đó là chưa đủ. Ông Conte cũng bảo vệ quyết định mới đây của ông khi ban hành sắc lệnh giới nghiêm về đêm trên phạm vi cả nước, siết chặt thêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phong tỏa một số vùng tâm dịch ở Italy bất chấp sự phản đối của các lãnh đạo địa phương. Theo ông Conte, nếu không làm như vậy, Italy có thể lại phải đối mặt với lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc.
Italy hồi tháng 3 và tháng 4/2020 đã từng phải áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên cả nước trong vòng khoảng 2 tháng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Chính lệnh phong tỏa đó đã có những tác động nặng nề đến nền kinh tế vốn mong manh của Italy. Trong kế hoạch ngân sách của mình, Chính phủ Italy dự báo GDP của nước này có thể sụt giảm tới 10,5% trong năm nay và sẽ chỉ tăng trưởng trở lại ở mức khoảng 1,8% trong năm 2021. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Roberto Gualtieri mới đây thừa nhận “đà phục hồi kinh tế rõ ràng đang bị chậm lại” do sự tái bùng phát của dịch COVID-19.
Chính phủ Italy trước đó cũng đã thông qua các khoản kích thích kinh tế trị giá 100 tỷ euro nhằm hỗ trợ nền kinh tế, khiến nợ công của Italy tăng tới gần mức 160% GDP. Do dịch COVID-19 hiện đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại, cộng thêm nguy cơ phải tiếp tục áp đặt các lệnh phong tỏa, Thủ tướng Conte có thể sẽ buộc phải đề nghị quốc hội nới rộng mức thâm hụt ngân sách của nước này trước cuối năm nay. Trong thời gian tới, Italy dự kiến tiếp nhận 209 tỷ euro (gồm các khoản vay và viện trợ không hoàn lại) từ Qũy Phục hồi của Liên minh châu Âu. Giới chuyên gia cho rằng khoản tài trợ này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng của Italy trong những năm tới.