Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu với đài “Radio 24”, ông Costa nhấn mạnh việc "không được lan truyền những thông điệp báo động hoặc lo lắng thái quá. Hầu hết người dân Italy đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, tình hình tại các bệnh viện đã được kiểm soát. Chúng ta nên tự tin nhìn vào những tuần tới trong khi nhận thức được rằng chúng ta chắc chắn chưa thoát khỏi đại dịch và chúng ta cần sự thống nhất lớn về thể chế và chính trị".
Thứ trưởng Costa cũng cho biết các nhóm đối tượng bị bắt buộc tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể được mở rộng. Hiện tại, chỉ các nhân viên y tế tại Italy là bị buộc phải tiêm vaccine và họ cũng là đối tượng được ưu tiên tiêm liều vaccine tăng cường. Cùng ngày, Liên đoàn y tá quốc gia (FNOPI) và Công đoàn điều dưỡng cho biết số lượng nhân viên y tế Italy bị mắc COVID-19 đã tăng mạnh trong 2 tháng qua, với 2.736 nhân viên y tế mắc COVID-19 được ghi nhận trong ngày 14/11, tăng 192,3% so với 936 ca ngày 14/9, trong đó 82% số ca mắc là y tá.
Trước đó, truyền thông Italy đưa tin chính phủ nước này đang xem xét việc siết chặt các tiêu chí của thẻ xanh, chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số cho thấy người sở hữu đã được tiêm phòng, hồi phục từ COVID-19 trong vòng 6 tháng hay có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc hoặc 72 giờ trước đó, tùy thuộc vào loại xét nghiệm được thực hiện, để làm giảm tỷ lệ lây nhiễm trước lễ Giáng sinh. Những thay đổi đã được lên kế hoạch bao gồm giảm thời hạn cấp thẻ cho những người đã tiêm vaccine từ một năm xuống 9 tháng. Trong khi đó, hiệu lực của thẻ được cấp sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính có thể được điều chỉnh giảm từ 72 giờ xuống còn 48 giờ và thời hạn cấp cho những người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính sẽ giảm từ 48 giờ xuống còn 24 giờ. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa chính thức công bố bất kỳ thay đổi nào đối với các tiêu chí thẻ xanh.