Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn phát biểu của ông Conte cho rằng nếu châu Âu không đưa ra được các công cụ tài chính để đối phó với thách thức hiện nay, chẳng hạn như Eurobond, Italy sẽ buộc phải đối mặt với tình huống khẩn cấp và tái khởi động bằng chính nguồn lực của mình. Ông Conte thừa nhận rằng hành động đơn phương như vậy có thể sẽ ảnh hưởng tới toàn EU, “các phản ứng của các quốc gia riêng lẻ sẽ kém hiệu quả hơn so với hành động phối hợp chung của cả châu Âu và có thể gây nguy hiểm cho giấc mơ châu Âu”.
Trước đó, nhóm Eurogroup đã không thể tìm được tiếng nói chung đối với kế hoạch cứu trợ nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Phát biểu sau cuộc họp ngày 8/4, Chủ tịch nhóm Eurogroup Mario Centeno thông báo các bộ trưởng đã gần đi đến một thỏa thuận, song vẫn chưa đạt được. Chính vì vậy, các bộ trưởng tài chính EU phải tiếp tục nhóm họp trong ngày 9/4.
Trước đó, ông Centeno đã kêu gọi các nước thành viên EU cùng đưa ra một gói giải pháp nhằm hỗ trợ các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân. Các bộ trưởng tài chính hy vọng việc đạt được gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro có thể giúp hỗ trợ các nền kinh tế đang dần "kiệt sức" có thể vượt qua đại dịch cũng như giúp EU thu hẹp những khác biệt không đáng có trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" hiện nay.
Tuy nhiên, bất đồng giữa các nước thành viên EU lại một lần nữa nảy sinh khi Italy và Hà Lan mâu thuẫn về các điều kiện gắn với kế hoạch cứu trợ và điều này đã ngăn cản tiến trình đạt được thỏa thuận trên. Italy và Tây Ban Nha kêu gọi tất cả các nước thành viên EU huy động hàng chục tỷ euro để hỗ trợ cho kế hoạch phục hồi khổng lồ. Trong khi đó, Đức và Hà Lan phản ứng thận trọng hơn bằng cách đề xuất sử dụng quỹ cứu trợ hiện nay của Eurozone còn gọi là Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ hơn thông qua Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Quỹ này hiện có khoảng 410 tỷ euro (tương đương 443 tỷ USD).
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại nước này, Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố Italy có thể bắt đầu nới lỏng dần một số biện pháp hạn chế hiện đang được áp đặt trước cuối tháng 4 nếu tình trạng lây lan dịch bệnh tiếp tục chậm lại. Phát biểu với đài BBC, Thủ tướng Conte nêu rõ: "Chúng tôi cần lựa chọn những lĩnh vực có thể hoạt động trở lại. Nếu các nhà khoa học xác nhận điều này, chúng tôi có thể bắt đầu nới lỏng một số biện pháp đang được áp đặt trước cuối tháng 4". Tuy nhiên, Thủ tướng Conte cảnh báo Italy không thể hạ mức cảnh giác và các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng dần.
Ngày 8/4, Italy ghi nhận 542 ca tử vong mới do COVID-19, giảm so với những nhiều ngày trước đó. Như vậy, tính đến nay, Italy đã ghi nhận 17.669 ca tử vong trong tổng số gần 140.000 ca nhiễm. Ngoài ra, có 3.693 bệnh nhân đang được điều trị tích cực, giảm so với mức 3.792 trong ngày 7/4 - ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận các số liệu giảm dần trong khi số ca phục hồi cũng cao hơn số ca tử vong.