Theo đó, Lombardy vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất với 258 trường hợp, vùng Veneto bao gồm thành phố Venice ghi nhận 71 trường hợp, vùng Emilia Romagna 47 trường hợp và Liguria 11 trường hợp. Số các trường hợp còn lại rải rác tại nhiều địa phương khác.
Hiện Chính phủ Italya đã phong tỏa 11 thị trấn, trong đó có 10 thị trấn tại Lombardy và 1 thị trấn tại Veneto, nhằm khống chế dịch lây lan.
Trong khi đó, hãng thông tấn TT của Thụy Điển ngày 26/2 đưa tin về trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 thứ 2 ở nước này. Bệnh nhân là công dân nước này, trong độ tuổi 30, vừa từ Italy về nước. Hiện giới chức y tế Thụy Điển đang nhanh chóng xác định những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này để khoanh vùng những người có nguy cơ nhiễm virus.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, đang tìm cách xác định những người có tiếp xúc với một bệnh nhân COVID-19 vừa tới từ Iran sau khi quá cảnh tại Moskva. Tính đến ngày 26/2, Thượng Hải ghi nhận 337 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, một phụ nữ ở tỉnh Osaka (Nhật Bản) vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 mặc dù trước đó, người này đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện vào đầu tháng 2/2020.
Chính quyền tỉnh Osaka cho biết người phụ nữ này, ở độ tuổi 40, là một hướng dẫn viên du lịch và đang sống ở thành phố Osaka, thủ phủ của tỉnh này. Bà đã có mặt trên xe du lịch chở các du khách đến từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào giữa tháng trước và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 29/1. Sau khi được chữa trị ở một cơ sở y tế địa phương, bà đã hồi phục và xuất viện hôm 1/2. Năm ngày sau đó, bà vẫn có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, hôm 19/2, người phụ nữ này bắt đầu cảm thấy đau họng và ngực. Một tuần sau, bà có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus trên sau một vài lần tới gặp bác sỹ để kiểm tra. Hiện người này đã nhập viện cách ly.
Giới chức tỉnh Osaka cho rằng người phụ nữ này có thể đã tái nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc virus trong cơ thể của bà vẫn tiếp tục nhân bản.
Một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của Đại học Osaka cho biết thông thường, những người đã từng nhiễm virus sẽ có kháng thể và nhờ vậy, họ có thể không bị tái nhiễm với loại virus đó. Tuy nhiên, nếu không có đủ kháng thể cần thiết, họ sẽ có nguy cơ tái nhiễm hoặc những virus chưa được phát hiện trong cơ thể có thể tiếp tục nhân bản.