Trước đó, tại Italy đã có 3 ca nhiễm ở vùng Lombardia và Veneto nhưng đã được cách ly và không lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, số ca nhiễm COVID-19 ở Italy đã tăng hơn 50 lần, và trong 2 ngày tiếp theo số ca nhiễm tiếp tục tăng gấp đôi và Italy đã trở thành nơi bùng phát dịch mạnh nhất châu Âu.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, số liệu của Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy cho thấy tính đến ngày 26/2, số ca nhiễm tại Italy được xác nhận là 357 trường hợp và 11 ca tử vong. Đáng chú ý, trong số các ca nhiễm mới có trường hợp trẻ em đầu tiên nhiễm bệnh là bé gái 4 tuổi tại Castiglione d'Adda, vùng Lombardia. Ngoài ra, 3 trường hợp khác ở độ tuổi vị thành niên ở Lombardia cũng dương tính với SARS-CoV-2, gồm 2 trường hợp 10 tuổi và 1 trường hợp 15 tuổi. Đến nay, 21 tỉnh thuộc 9/20 vùng của Italy đã có người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó Lombardia là vùng có nhiều người nhiễm nhất. Các khu vực có người lây nhiễm liên tục mở rộng từ các vùng phía Bắc tới 3 vùng miền Trung và 1 vùng miền Nam Italy.
Chính quyền Italy đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngày 22/2, chính phủ ban hành sắc lệnh phong tỏa các khu vực bùng phát dịch bệnh, hoạt động đặt dưới sự giám sát của cảnh sát. Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động lực lượng quân đội và sẽ áp dụng các biện pháp hình sự đối với trường hợp vi phạm; Ngừng các hoạt động trao đổi giáo dục như di chuyển học sinh trong nước và ra nước ngoài, đình chỉ tất cả các hoạt động công cộng tại Lombardia và Veneto; Tiến hành cách ly bằng các biện pháp giám sát tích cực tất cả những người đã tiếp xúc với các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Sắc lệnh cũng nêu rõ việc đóng cửa các trường học, cửa hàng và bảo tàng, hoặc ngừng làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước ở vùng dịch không được gây ảnh hưởng đến các dịch vụ thiết yếu của người dân, tạm dừng các cuộc thi và hạn chế di chuyển.
Hiện có tới 11 thị trấn ở Italy với khoảng 50.000 dân được cách ly và chịu sự giám sát, tuần tra của lực lượng cảnh binh. Hoạt động của các trường học tại các vùng phía Bắc đình chỉ đến ngày 15/3 (trước đó lệnh đình chỉ áp dụng đến ngày 2/3); cấm các hoạt động tập thể, lễ hội (trong đó có lễ hội carnival của Venice), đóng cửa các khu vực thăm quan có đông khách du lịch; nhiều địa phương khác tại Italy khuyến cáo người dân không đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; tiến hành sàng lọc và yêu cầu khai báo đối với người dân trở về từ vùng dịch. Tới ngày 25/2, các công ty, doanh nghiệp tại các vùng phía Bắc được khuyến cáo tránh những hoạt động tiếp xúc không cần thiết; đình chỉ các hoạt động tôn giáo tại các nhà thờ.
Trước tình hình dịch bệnh tại Italy, một số nước đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngày 24/2, chính quyền Mauritius (đảo quốc ở phía Đông châu Phi) đã từ chối nhập cảnh đối với 40 công dân Italy thuộc vùng Lombardia và Veneto. Những người này được yêu cầu quay trở lại Italy hoặc cách ly 14 ngày tại Mauritius. Bộ Ngoại giao Italy đã làm việc với chính quyền Mauritius và đưa 40 người này quay trở lại Italy sáng 25/2.
Ngày 25/2, Jordan, Kuwait và Seychelles đã quyết định đình chỉ nhập cảnh đối với công dân Italy. Một số quốc gia khác cũng đã khuyến cáo người dân không nên đi du lịch và đình chỉ các hoạt động giáo dục tới Italy, trong đó có Israel, Croatia, Hy Lạp, Serbia, Montenegro. Các hãng hàng không quốc tế vẫn vận chuyển hành khách trong phạm vi Italy và ra khỏi nước này, nhưng nhiều nước, trong đó có Tunisia, đã nêu khả năng cách ly người Italy khi họ đến nước này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 24/2 đã cử một đoàn chuyên gia đến Italy để hỗ trợ nước này đánh giá tình hình, ngăn ngừa và kiểm soát lây nhiễm, giám sát và truyền thông về rủi ro dịch bệnh, đặc biệt là tập trung ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm từ người sang người lan rộng thêm.